Thứ Năm, 31 tháng 7, 2014

Dùng nhau thai bồi bổ, coi chừng nhiễm... giang mai

Tác dụng bồi bổ sức khỏe của nhau thai mới chỉ là tin đồn. Việc sử dụng không cẩn thận còn gây mắc rất nhiều bệnh nguy hiểm, kể cả giang mai, lậu, HIV.
Chứa nhiều mầm bệnh

Hiện nay, Đông y chưa có nghiên cứu nào cụ thể mô tả chi tiết tác dụng của các loại nhau thai. Người tiêu dùng cũng chỉ nghe đồn thổi và làm theo chỉ dẫn miệng của các hiệu thuốc Đông y hoặc nghe người xưa kể lại. “Các mặt hàng nhau thai dễ chứa nhiều mầm bệnh liên quan đến đường máu, tình dục. Trong đó đặc biệt là một số bệnh thường gặp như giang mai, lậu, viêm gan B, A, thậm chí cả HIV”, thầy thuốc nhân dân Nguyên Xuân Hướng cho hay.

Cùng chung quan điểm với ông Hướng, lương y Vũ Quốc Trung phân tích thêm, do nhau thai mang nhiều chất đạm trong quá trình nuôi tế bào nên nó là môi trường rất thuận lợi cho vi khuẩn ủ bệnh và phát triển. Ngay cả khi nhau thai của những người phụ nữ khỏe mạnh cũng khó có thể khẳng định là không mắc các bệnh liên quan đến máu huyết, tình dục.

“Thật tai hại khi người bán luôn quảng cáo nhau thai giúp bồi bổ cơ thể, nhưng bản thân họ cũng không thể biết nguồn gốc của nhau, phương thức bảo quản. Và người mua cũng chỉ nhận được vài lời chỉ dẫn tào lao bằng miệng”, lương y Trung nói.
 
Không nên dùng

Trước đây, các bà đỡ thường lấy nhau thai của những phụ nữ khỏe mạnh về bồi bổ, nhưng đó là cách bồi bổ thiếu hiểu biết. Bởi, ngày đó họ chưa có ý thức về mức độ nguy hiểm. “Nếu gặp phải những nhau thai của những sản phụ bệnh tật, họ khó có thể tránh khỏi những bệnh nguy hiểm lây từ người khác”, lương y Vũ Quốc Trung cho biết.

Nghe câu chuyện các cửa hàng bán hàng nhau thai khô tại phố Hải Thượng Lãn Ông (Hà Nội) khẳng định vì bổ quá nên họ bị cấm kinh doanh tự do, thầy thuốc nhân dân Nguyên Xuân Hướng chia sẻ: “Họ đồn nhảm. Đấy còn chưa nói đến các loại nhau khô được chế biến ngâm tẩm dung dịch độc hại thêm”.

Nhận định về việc nhau thai tươi, khô được bán tràn lan ra thị trường, ông Hướng cho hay: “Bộ Y tế đã có những quy định hết sức nghiêm ngặt về việc bảo quản hay tiêu hủy nhau thai. Tuy nhiên vẫn còn những nơi quản lý chưa chặt, và một số y bác sĩ vì tiền vẫn lén lút ăn cắp, bán ra ngoài”.

Trong khi đó, Lương y Vũ Quốc Trung, khẳng định người dân không nên nghe những tin đồn nhảm mà đổ xô đi mua mặt hàng này về bồi bổ. Ăn uống hợp lý, lao động, tập thể dục thường xuyên mới là cách tốt nhất để giữ sức khỏe.
Theo Eva

Nhu cầu chất kẽm hằng ngày

Kẽm là một khoáng chất quan trọng cần thiết cho sự sống. Thiếu kẽm, các chức năng của cơ thể sẽ khó hoạt động, gây mất cân bằng lượng đường trong máu, tỷ lệ trao đổi chất diễn ra chậm, nhận thức kém về mùi và hương vị, sự phân chia tế bào và tổng hợp DNA của cơ thể cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Những dấu hiệu khi thiếu kẽm
Tình trạng thiếu kẽm rất hiếm gặp nhưng không phải không xảy ra (chủ yếu là do cơ thể không dự trữ đủ lượng khoáng chất). Khi cơ thể thiếu kẽm sẽ có các dấu hiệu và triệu chứng như: Chán ăn, suy giảm chức năng hệ thống miễn dịch, rụng tóc, tiêu chảy, mắt và da bị tổn thương, sút cân, vết thương lâu lành, tốc độ tăng trưởng chậm hoặc bất thường ở trẻ sơ sinh hoặc trẻ em...
 Thịt bò......
Những ai có nguy cơ thiếu kẽm?
Nhu cầu kẽm cần được hấp thu hằng ngày để duy trì sự khỏe mạnh cho cơ thể. Ở một số người, nguy cơ thiếu hụt kẽm thường xảy ra, cụ thể là những đối tượng sau: Người ăn chay (những người thường xuyên ăn chay sẽ phải cần đến hơn 50% nhu cầu kẽm trong chế độ ăn uống so với những người không ăn chay), người bị rối loạn tiêu hóa, phụ nữ mang thai và đang cho con bú, trẻ lớn chỉ bú sữa mẹ (trẻ dưới 7 tháng tuổi được bổ sung đủ nhu cầu kẽm hàng ngày từ sữa mẹ.
 
Sau thời gian này, nhu cầu kẽm tăng 50% và nếu chỉ bú sữa mẹ thì không đáp ứng đủ), người nghiện rượu (50% người nghiện rượu cũng có nồng độ kẽm thấp vì họ không thể hấp thụ các chất dinh dưỡng (do bị tổn thương đường ruột từ việc uống rượu quá nhiều), hoặc bởi vì kẽm tiết ra nhiều hơn trong nước tiểu của họ)... 
 ...... và hạt bí ngô tươi là những thực phẩm giàu kẽm.
Nhu cầu kẽm hằng ngày
Theo nghiên cứu của các chuyên gia dinh dưỡng, nhu cầu kẽm cần bổ sung hằng ngày cho các lứa tuổi như sau:
- Trẻ sơ sinh 0 - 6 tháng tuổi: 2 mg/ngày
- Trẻ sơ sinh 7 - 11 tháng tuổi: 3 mg/ngày
- Trẻ em 1 - 3 tuổi: 3 mg/ngày
- Trẻ em 4 - 8 tuổi: 5 mg/ngày
- Trẻ em 9 - 13 tuổi: 8 mg/ngày
- Nam 14 tuổi trở lên: 11 mg/ngày
- Nữ 14 - 18 tuổi: 9 mg/ngày
- Nữ 19 tuổi trở lên: 8 mg/ngày
- Phụ nữ mang thai từ 18 tuổi trở lên: 11 - 12 mg/ngày
- Phụ nữ đang cho con bú từ 18 tuổi trở lên: 12 - 13 mg/ngày
Do cơ thể chúng ta không thể tự sản sinh khoáng chất quan trọng này, vì vậy việc ăn nhiều thực phẩm giàu kẽm hằng ngày là rất cần thiết. Những nguồn thực phẩm giàu kẽm bao gồm: hàu, thịt bò, cua biển, tôm, hạt bí ngô tươi...
Để nhận được nhiều kẽm hơn từ chế độ ăn uống, nên chú ý:
- Hạn chế uống rượu và cà phê, hai thứ này đều kích thích việc đi tiểu. Bạn càng đi tiểu nhiều thì lượng kẽm trong cơ thể càng bị bài tiết ra ngoài nhiều hơn.
- Không nấu nướng thực phẩm quá chín: Hấp cách thủy, nướng hay luộc sẽ cắt giảm lượng kẽm trong thực phẩm đi một nửa, nhất là với đậu.
Tuy nhiên, không nên bổ sung quá liều chất kẽm vì việc ngộ độc kẽm có thể xảy ra, đặc biệt là khi lạm dụng thuốc ho và thuốc cảm. Khi sử dụng kẽm quá liều, có thể gặp triệu chứng đau bụng, buồn nôn, nôn mửa, cảm giác đắng trong miệng, tiêu chảy, chuột rút...  

  Bác sĩ  Phạm Huy

6 sai lầm khi ăn sữa chua

Nhiều bạn cho rằng ăn càng nhiều sữa chua càng tốt nhưng quan niệm này hoàn toàn sai lầm. Sữa chua là thực phẩm giàu dinh dưỡng. Tuy nhiên nếu không được sử dụng đúng cách, nó sẽ không mang lại giá trị dinh dưỡng như bạn mong muốn. Sữa chua là thực phẩm dinh dưỡng được nhiều chị em tin dùng, tuy nhiên nếu bạn sử dụng không hợp lý thì không chỉ không phát huy được tác dụng của sữa chua mà còn gây hại cho sức khỏe.
Sai lầm thứ nhất:
Ngày nay trên thị trường không chỉ bày bán các sản phẩm sữa chua mà ngày càng xuất hiện nhiều các loại nước sữa chua. Nhiều bạn vẫn cho rằng các loại nước sữa chua cũng giống như sữa chua nhưng hoàn toàn không phải thế. Nước sữa chua cũng giống như các sản phẩm nước giải khát, hàm lượng dinh dưỡng của nó chỉ bằng 1/3 hàm lượng dinh dưỡng có trong sữa hay sữa chua.
Sai lầm thứ hai:
Nhiều bạn cho rằng ăn càng nhiều sữa chua càng tốt nhưng quan niệm này hoàn toàn sai lầm. Nếu ăn quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến sự bài tiết các chất dung môi trong dạ dày, làm giảm cảm giác thèm ăn. Đặc biệt nếu thường xuyên ăn quá nhiều sữa chua bạn sẽ thấy lạnh bụng. Và lời khuyên cho bạn là mỗi ngày chỉ nên ăn 250 đến 500 gram sữa chua là hợp lý.
Sai lầm thứ ba:
Có quan niệm cho rằng sữa chua có hàm lượng dinh dưỡng cao hơn sữa tuy nhiên trên thực tế hàm lượng dinh dưỡng của hai loại là như nhau nhưng sữa chua dễ được hấp thụ và tiêu hóa hơn.
Sai lầm thứ tư:
Sữa chua kết hợp với một số loại thực phẩm sẽ mang lại giá trị dinh dưỡng cao hơn ví dụ như sữa chua ăn kèm dâu tây, bánh mì, bánh bao tuy nhiên nếu bạn kết hợp sữa chua với xúc xích, thịt hun khói, các sản phẩm đông lạnh chế biến từ thịt, thuốc kháng sinh…có thể gây táo bón, các bệnh về dạ dày và nặng nhất có thể gây chết người.
Sai lầm thứ năm:
Ăn sữa chua khi đói sẽ tăng nguy cơ bị các bệnh dạ dày. Chính vì vậy lời khuyên cho các bạn là sau bữa tối 1 đến 2 tiếng rồi ăn sữa chua sẽ đem lại hiệu quả cao nhất.
Sai lầm thứ sáu:
Sữa chua tốt cho sức khỏe của bạn, tuy nhiên trong các trường hợp bạn bị tiêu chảy, tiểu đường và trẻ em dưới 1 tuổi thì không nên ăn sữa chua.
Vậy ăn sữa chua sao mới đúng cách?
Sữa chua đúng là cần thiết cho sức khỏe, nhất là loại trong thành phần có thêm vi sinh hữu ích, vì bên cạnh tác dụng nhuận trường, lực lượng vi sinh là phương tiện an toàn cho cơ tạng còn rất nhạy cảm của trẻ em để tương tranh với hàng trăm chủng loại vi sinh độc hại lúc nào cũng chực chờ trong khung ruột.
Dùng sau bữa điểm tâm
Thầy thuốc ủng hộ cách dùng sữa chua có vi sinh là hoàn toàn có lý vì kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy khả năng truy lùng bệnh nguyên của bạch cầu và thực bào trong cơ thể của trẻ thường dùng món này được cải thiện thấy rõ. Trong môi trường ô nhiễm như ở nước ta, có được thuốc quý như thế còn muốn gì hơn. Đáng tiếc là nhiều bà mẹ vẫn chưa có thói quen cho con ăn sữa chua hay có dùng nhưng không đúng cách.
Thành phần vi sinh hữu ích trong khung ruột có chung một nhược điểm là rất mong manh. Các thành phần này rất dễ thất thoát nếu trẻ phải dùng thuốc kháng sinh lâu ngày. Chúng thậm chí hao hụt rất nhanh trong trường hợp ngộ độc thực phẩm, khi trẻ bị căng thẳng (chẳng hạn trong giai đoạn mới vào nhà trẻ, vào trường học hay thường khi chỉ vì thay đổi cách ăn uống). Chính vì thế mà trẻ nên ăn sữa chua sau bữa điểm tâm vì đó là thời điểm tốt nhất để tăng cường sức kháng bệnh.
Kế đến, nhiều người vẫn tưởng cứ cho trẻ ăn sữa chua lúc nào cũng tốt. Đáng tiếc là như thế thì sẽ uổng tiền. Vì sữa chua nếu muốn nên thuốc thì phải chứa một lượng rất lớn vi sinh để một phần trong đó sống sót sau khi lội qua nước chua của dạ dày.
Ăn tối thiểu 4 tuần liên tục
Quan trọng hơn nữa, nếu muốn tái lập quân bình vi sinh trong đường ruột thì cần ăn sữa chua mỗi ngày, một lần trong ngày là được rồi nhưng tối thiểu phải 4 tuần liên tục. Trong thời gian đó, càng khéo hơn nữa nếu trẻ có chế độ dinh dưỡng dồi dào chất xơ từ rau cải, mễ cốc. Dù là trẻ con hay người lớn, dùng sữa chua theo kiểu ngẫu hứng thì chỉ làm vui lòng nhà sản xuất.
Riêng với trường hợp trẻ dùng thuốc kháng sinh nhiều ngày thì sữa chua, cho dù có ăn mỗi ngày mấy hũ, cũng không đủ để phục hồi khung ruột vì bệnh nhi thường cần không dưới 10 tỉ vi sinh loại Lactobacillus hay Bifido mỗi ngày. Trong trường hợp này nên dùng thuốc có men vi sinh theo hướng dẫn của thầy thuốc. Nếu dùng chung với sữa chua càng hay. Quan trọng là nếu pha nước thì phải với nước lạnh.
Thêm một điểm quan trọng cho người tiêu dùng là đừng tưởng sữa chua phải chua mới tốt. Khẩu vị chua nhiều hay ngọt lịm là chuyện nhỏ trong tay nhà sản xuất. Chuyện đó không ăn nhằm gì với thành phần vi sinh trong sản phẩm. Muốn biết sữa chua tốt hay không chỉ có một cách đơn giản là kiên nhẫn dùng ít tuần xem trẻ có khỏe hay không. Khỏe thì dùng tiếp, không khỏe thì tìm biện pháp khác hay hỏi ý kiến của thầy thuốc.

Theo Bee

Cẩn trọng khi ăn chay

Ăn chay giúp thanh lọc cơ thể. Tuy nhiên, nhiều người ăn chay trường vẫn có thể mắc các bệnh mãn tính như huyết áp, tiểu đường, tim mạch, rối loạn lipid máu...
So với chế độ dinh dưỡng thông thường, ăn chay có nhiều ưu điểm: chất đạm dễ tiêu hóa, ít gây dị ứng, lượng chất đạm vừa phải giúp giảm nguy cơ bệnh thống phong, giảm thải canxi qua đường thận, giảm nguy cơ sa sút trí tuệ lúc tuổi già; chất béo có nhiều acid béo không no và hoàn toàn không có cholesterol, có lợi cho tim mạch; dồi dào vitamin, khoáng chất, chất xơ, phytochemical từ rau trái giúp bảo vệ cơ thể, duy trì tuổi xuân, phòng chống ung thư…
 Ăn chay cũng có thể gây một số bất lợi cho sức khỏe.
Dù vậy, ăn chay cũng có thể gây một số bất lợi cho sức khỏe. Chất đạm trong các thức ăn thực vật không đủ acid amin thiết yếu; chất béo tuy không có cholesterol nhưng có các acid béo no, nhất là trong nước cốt dừa và các dạng bơ thực vật như margarine, shortening... không tốt cho tim mạch. Trong rau củ cũng có nhiều chất gây cản trở sự hấp thu các chất dinh dưỡng khác. Những người ăn chay trường thường dễ bị thiếu máu, loãng xương, giảm đề kháng… do thiếu các vi chất dinh dưỡng như acid folic, sắt, vitamin B12, kẽm, canxi…

Vì vậy, ăn chay chỉ có thể trở thành một cách ăn kiêng có lợi cho sức khỏe khi loại bỏ được các yếu tố nguy cơ nói trên. Nên chọn cách ăn chay kèm sữa, trứng và lưu ý kết hợp các thành phần trong bữa ăn. 

Để cân đối chất đạm, nên trộn thêm các loại đậu vào gạo dùng nấu cơm hay cháo, hoặc ăn cơm với mè, đậu phộng, uống thêm một ly bột ngũ cốc sau bữa cơm.

Hạn chế tối đa nước cốt dừa và các loại chất béo đông đặc. Tránh chiên xào các loại thực phẩm trong dầu trước khi kho nấu để tránh làm tăng lượng chất béo trong khẩu phần.
Những món ăn lên men như tương, chao, cải muối, dưa cải, cà… có hàm lượng muối rất cao, chỉ nên dùng hạn chế và nên loại khỏi danh sách thực phẩm của những người cao tuổi có bệnh huyết áp, tim mạch, bệnh thận hay tiểu đường.

Chế biến qua nhiều công đoạn sẽ làm mất các vitamin dễ phân hủy như vitamin B2, B3, B6, B9, C… Vì vậy, nên chế biến thức ăn đơn giản nhất có thể: canh rau, đậu hũ kho hay chiên, xào thập cẩm… Dưỡng chất sẽ được bảo quản tốt nhất và không sinh thêm các thành phần có hại cho sức khỏe.

Với những người ăn chay trường, có thể sử dụng thêm vi chất dinh dưỡng dưới dạng thuốc bổ.

Với những người trẻ và khỏe mạnh, chỉ ăn chay một hai ngày trong tuần để thay đổi khẩu vị. Khi ăn chay trên một tuần hoặc muốn áp dụng ăn chay để phòng trị bệnh, thì bắt buộc phải quan tâm đến việc cân đối bữa ăn để đảm bảo một chế độ ăn phù hợp nhất cho sức khỏe. Nhìn từ góc độ dinh dưỡng, nếu khéo léo cân đối các thành phần dưỡng chất qua việc lựa chọn và chế biến thực phẩm thích hợp, thì chế độ ăn chay không liên tục (một ngày mỗi tuần, một tuần mỗi tháng hoặc ba tháng mỗi năm) thật sự là một chế độ ăn kiêng giúp bảo vệ sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
 
Theo PNO

Ăn cá có lợi cho sức khỏe

Cá là thực phẩm giàu chất dinh dưỡng và chữa được nhiều bệnh.Cá có nguồn đạm quý với đủ các acid amin cần thiết, trong đó hàm lượng lysin, tirozin, tryptophan, systin, methionin cao hơn thịt. Chất đạm của cá tươi lại dễ tiêu hóa, dễ hấp thu hơn so với thịt.
Loại thực phẩm ít chất béo và giàu axít omega - 3
Mọi người đều biết, ăn nhiều thực phẩm giàu chất béo như mỡ động vật không có lợi cho sức khỏe. Trong cá có chứa rất ít chất béo dạng này, đồng thời lại có nhiều axít béo omega - 3, là thành phần đặc biệt cần thiết đối với quá trình phát triển não bộ ở con người, đóng vai trò quan trọng trong việc truyền nhận tín hiệu giữa các tế bào. Thành phần chủ yếu trong omega - 3 là DHA cũng chính là thành phần quan trọng thúc đẩy hình thành chất xám trong não và giúp cho trẻ nhỏ phát triển trí thông minh. Axít omega - 3 chứa rất nhiều trong cá và một số loại hải sản khác như tôm, sò...
 Cá chứa nhiều axít béo omega-3. Ảnh: TL
Giàu protein, vitamin và khoáng chất
Các loại thịt động vật như lợn, bò... chứa rất nhiều protein, song nếu ăn nhiều lại không tốt cho sức khỏe, có thể gây ra chứng thừa đạm, béo phì, tiểu đường... Ngược lại, bạn có thể ăn cá thoải mái mà không phải lo nghĩ gì. Protein của cá rất dễ hấp thụ, tốt cho hệ tiêu hóa và tim mạch. Trong cá cũng có chứa rất nhiều vitamin thiết yếu như vitamin A, D, phốt pho, magiê, kẽm, và iốt... Đặc biệt canxi có chứa trong một số loại cá như cá hồi còn góp phần giúp cho xương chắc khỏe.
Dầu cá tốt cho quá trình phát triển của trẻ nhỏ
DHA có trong dầu cá chính là nguyên nhân tạo nên tác động có lợi này. DHA giúp trẻ mới sinh phát triển thông minh và sáng mắt, đồng thời hoàn thiện quá trình phát triển chức năng não bộ. Phụ nữ khi mang thai hấp thụ được nhiều axít omega - 3 trong cá biển sẽ sinh ra con khỏe mạnh, thông minh hơn nhiều so với bình thường. Đó là kết quả nghiên cứu mà các nhà khoa học thuộc nhiều quốc gia trên thế giới đã chứng minh.
Ăn nhiều cá giúp làm giảm nguy cơ đột quị, bệnh tim mạch
Theo kết quả nghiên cứu của Đại học tổng hợp Harvard - Mỹ, việc ăn cá đều đặn hàng tuần sẽ giúp cung cấp lượng omega - 3 cần thiết để ngăn chặn nguy cơ mắc bệnh tim. Ngoài ra, omega - 3 còn giúp giảm nồng độ triglyceride trong máu và giảm hiện tượng máu bị vón cục dẫn tới tắc nghẽn mạch máu.
Vì vậy, cá là một loại thực phẩm rất tốt, đặc biệt với người già và trẻ nhỏ. Bởi chất EPA có trong axit béo không no (có rất nhiều ở các giống cá lưng xanh) có thể phòng chống được bệnh xơ vữa động mạch và nhồi máu cơ tim. Còn chất DHA cũng có trong axit béo không no của cá và có vai trò quan trọng trong quá trình sinh trưởng của tế bào não và hệ thần kinh. Thiếu chất này con người sẽ giảm trí nhớ, kém thông minh. Trẻ em cần DHA để phát triển tế bào não. Người cao tuổi cần DHA để làm chậm lão hóa bộ não, tránh lú lẫn lúc về già.
Trong cá, hàm lượng DHA tập trung nhiều hơn ở đầu cá. Vì vậy, bạn không nên rán cá, nhất là ở nhiệt độ cao sẽ làm chất DHA bị phân hủy mà nên ăn cá luộc hoặc cá nấu để tận dụng hàm lượng DHA có trong đầu cá.        

  BS. Nguyễn Thùy Hương

6 bệnh dễ mắc do ăn nhiều thịt

Một chế độ ăn nhiều thịt có thể làm cho người ta mắc một số bệnh. Tuy nhiên không phải hễ ai ăn thịt là mắc các bệnh này, mà chỉ những người ăn quá nhiều thịt, không quan tâm đến số lượng và chất của thịt mới dễ bị mắc bệnh.
Chế độ ăn nhiều thịt có thể làm dễ mắc một số bệnh do cách ăn không đúng theo khoa học.
 
Bệnh tim mạch: Được coi là “kẻ giết người số 1” ở các nước phát triển. Nghiên cứu của Trường đại học Harvard cho thấy, huyết áp trung bình của người ăn chay giảm rõ rệt so với những người ăn thịt; nồng độ cholesterol trong máu của người ăn thịt cao gấp nhiều lần so với người ăn chay và là nguyên nhân chính của chứng vữa xơ động mạch, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, đột qụy... Vì thế, Hội Tim mạch Hoa Kỳ đã khuyến cáo rằng, chế độ ăn chay có thể phòng ngừa từ 90 - 97% các bệnh tim mạch.
Bệnh tiểu đường: Chế độ ăn nhiều thịt, nhất là các loại thịt lẫn nhiều mỡ, làm tăng axít béo và triglycerid – là nguyên nhân gây ra tiểu đường týp II. Bởi vì các axít béo dư thừa trong máu và triglycerid ức chế hoạt động của insulin, điều này dẫn đến kết quả xét nghiệm lượng insulin trong máu vẫn bình thường hoặc chỉ hơi tăng nhưng đường huyết của người bệnh lại trong tình trạng bị cao. Nếu sửa chữa sai lầm này bằng cách chuyển sang chế độ ăn chay thì lượng đường trong máu giảm hẳn và nồng độ axít béo cũng về mức an toàn.
Bệnh thận: Nhiều nghiên cứu cho thấy, để bài tiết các hợp chất nitơ độc hại do ăn nhiều thịt thì thận phải làm việc gấp trên 3 lần so với thận của người ăn chay. Urê và acid uric là hai chất thải của chế độ ăn thịt rất độc hại đối với cơ thể. Khi chúng ta còn trẻ, thận còn khỏe thì việc thải loại các chất này còn cố được, nhưng khi đã cao tuổi, thận của chúng ta đã suy yếu thì công việc thải các chất này trở thành gánh nặng cho thận và kết quả là thận không thể thải độc hiệu quả, nên tất yếu dẫn đến bệnh tật.
Bệnh gút: Khi thận không đủ khả năng lọc thải hết các chất chứa nitơ độc hại thì creatinin và acid uric tăng cao trong máu. Nồng độ acid uric tăng cao sẽ lắng đọng lại trong các khớp nhỏ như khớp ngón tay, ngón chân gây nên bệnh gút. Tại các khớp, acid uric đọng lại kết tinh thành tinh thể tạo ra phản ứng viêm, gây nhiều đau nhức cho bệnh nhân.
Béo phì: Nguyên nhân của bệnh béo phì chủ yếu là do chế độ ăn quá dư thừa năng lượng calo như mỡ động vật, bơ, phomai, thịt, sôcôla, bột, đường... Khi đã béo phì thì người ta dễ lười vận động, từ đó năng lượng thừa không được tiêu hao lại tích trữ dưới dạng mỡ nên lại càng béo. Béo phì sẽ dẫn đến các bệnh vữa xơ động mạch, tăng huyết áp, đau xương khớp.
Bệnh gan: Chức năng của gan là tổng hợp các chất cần thiết cho cơ thể và thải bỏ các chất độc hại ra ngoài. Nhưng chế độ ăn nhiều thịt và mỡ động vật sẽ làm gan làm việc quá sức và tổn thương. Thịt và mỡ ăn vào sẽ làm cho gan bị nhiễm mỡ, hóa xơ, hóa sẹo.
Bệnh ung thư: Sở dĩ ăn nhiều thịt dễ bị ung thư là vì chất bảo quản thịt. Do thịt rất giàu chất đạm dễ bị thiu thối nên một số người kinh doanh thiếu lương tâm đã tẩm thịt với các chất bảo quản như nitrit, nitrat... Đến tay người tiêu dùng, chúng ta chỉ rửa sạch, pha chế rồi nấu chín thịt. Nhưng dù nấu chín thịt thì các chất này không bị phân hủy. Khi chúng ta ăn vào ruột, các chất này kết hợp với các acid amin tạo nitrosamin là chất gây ung thư. Mặt khác nhiều người chăn nuôi đã sử dụng các loại chất kích thích tăng trưởng, chất gây thèm ăn, gây ngủ, hormon, kháng sinh… cho vật nuôi mau lớn. Mặt khác khi vật nuôi bị bệnh, bị khối u, họ vẫn giết mổ và bán thịt gia súc ra thị trường. Người tiêu dùng vì không mắt thấy tai nghe, vẫn vô tư ăn thịt mà không biết trong loại thịt đó chứa đầy chất độc hại có thể gây bệnh từ nhẹ đến ung thư. Nhiều người do thói quen ăn uống lại chỉ ăn thịt mà rất ít ăn rau nên dễ bị táo bón, ứ đọng chất độc, càng làm cho bệnh ung thư dễ phát triển.
Như vậy, một chế độ ăn nhiều thịt nhưng ít quan tâm đến chất lượng thịt có thể làm cho người ăn dễ mắc các bệnh nói trên. Do đó để tránh tình trạng này, chúng ta nên thực hiện một chế độ ăn đầy đủ và cân bằng giữa các chất dinh dưỡng là đạm, đường, béo, các vitamin và khoáng chất mới có thể có sức khỏe tốt
BS. BÙI THỊ THU HƯƠNG
Một vài nghiên cứu cho thấy : trong số các bệnh nhân ung thư thì 30% liên quan đến thuốc lá, 3% liên quan đến những phụ gia thực phẩm như chất màu, chất bảo quản, 35% liên quan đến ăn uống... Nói cách khác, nếu ăn uống hợp lý, khoa học thì 35% bệnh nhân sẽ thoát khỏi ung thư thay vì bị mắc bệnh này. Minh chứng cho tác dụng của chế độ ăn người ta thấy: cư dân vùng Bắc Mỹ và Tây Âu ăn nhiều thịt, bị ung thư đại tràng, ung thư dạ dày cao hơn cư dân ăn chay ở Ấn Độ; ở những nước ăn nhiều thịt, số phụ nữ bị ung thư vú cũng cao gấp 10 lần ở những nước có thói quen ăn chay.

Ăn nhiều hành, tỏi phòng tránh ung thư

Viện Nghiên cứu dược lý Mario Negri (Italy) khẳng định: tỷ lệ mắc ung thư thực quản, tử cung và vòm họng ở những người cao tuổi có thói quen ăn hành thường xuyên thấp hơn nhiều so với mức trung bình của toàn xã hội. Các nghiên cứu trước đây cũng đã đưa ra kết luận tương tự, nhưng nhiều người vẫn tỏ ra hoài nghi vì cho rằng đối tượng tham gia nghiên cứu là người Trung Quốc nên không thể chắc chắn rằng hành, tỏi có thể giúp ngăn ngừa ung thư ở người phương Tây.
 
Nhưng với phát hiện này, có thể khẳng định: người phương Tây cũng phòng tránh được ung thư nhờ ăn nhiều hành, tỏi. TS.Carlotta Galeone, Trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: Tuy chưa thể khẳng định rằng hành, tỏi trực tiếp ngăn chặn ung thư, nhưng ông cho rằng, có thể những người thích hành, tỏi theo đuổi chế độ ăn nhiều rau quả và chính điều đó giúp họ giảm được nguy cơ mắc ung thư.
 
Ăn nhiều hành, tỏi phòng tránh ung thư
Những nghiên cứu trên động vật và trong phòng thí nghiệm với tế bào ung thư cho thấy: các hợp chất có trong hành, tỏi có thể kìm hãm sự phát triển của các khối u. Những hợp chất của sulfur trong tỏi và flavonoid - tác nhân chống ôxy hóa trong hành, là một trong những chất có khả năng bảo vệ tế bào khỏi sự xâm nhập của ung thư. Galeone và các cộng sự phân tích các công trình nghiên cứu về tác dụng của tỏi, hành được tiến hành ở Italy và Thụy Sĩ. Đối với ung thư thực quản, Galeone phát hiện ra rằng, phụ nữ và nam giới ăn hành 7 lần trở lên trong tuần giảm được một nửa nguy cơ mắc bệnh so với những người không ăn.
 
Tương tự, những người ăn tỏi ít nhất 7 lần trong tuần có nguy cơ mắc ung thư thấp hơn những người không bao giờ dùng tỏi trong khẩu phần khoảng 25%. Những người thích tỏi và hành cũng ít nguy cơ mắc ung thư vòm họng, miệng, thận nhất. Galeone khuyên: Nếu bạn thêm hành, tỏi vào khẩu phần ăn hằng ngày, hoặc trộn chúng với nhiều loại rau khác thì thật là một điều lý tưởng để tránh bệnh ung thư. Nói chung, các chuyên gia đều khuyên mọi người ăn nhiều loại rau quả khác nhau trong khẩu phần ăn hằng ngày để có một cơ thể khỏe mạnh.         
BS. Ninh Hồng

Hoa hướng dương: món ăn - bài thuốc vào dịp Tết

Những ngày chuẩn bị Tết cổ truyền, ngoài mứt, trái cây, người ta còn có thú chưng hoa: Mai, Anh đào...  và cả Hướng dương. Ngoài việc chưng cho đẹp những Tết, toàn cây Hướng dương còn được tận dụng làm thuốc khá tốt.
Hoa hướng dương: món ăn - bài thuốc vào dịp Tết 1

Lá hướng dương
Lá hướng dương thường dùng để trị cao huyết áp.
- Trị sốt và ức chế tụ khuẩn vàng: dùng 20 - 40g lá hướng dương, sắc uống.
- Trị cao huyết áp: dùng 30g lá hướng dương khô hoặc 60g lá hướng dương tươi, 30g thổ ngưu tất sắc nước uống thay trà.
Lõi thân và cành cây hướng dương
Lõi cành cây hướng dương có tác dụng trị chứng tiểu ra máu, sỏi đường tiết niệu, tiểu tiện không thông...
Trị ho gà: dùng 15 - 30g lõi thân và cành cây hướng dương giã nát hãm nước sôi, thêm đường trắng uống trong ngày.
Trị viêm phế quản mạn tính: lõi cành hướng dương lượng vừa đủ, rửa sạch, giã nát, cho thêm chút nước lọc rồi ép lấy nước uống (có thể pha thêm một ít đường) hoặc sắc uống.
Trị viêm phế quản mạn tính: đài hoa hướng dương 1 - 2 cái, sắc uống với một chút đường phèn.
Trị hen suyễn: đài hoa hướng dương tươi 30 - 60g, sắc kỹ rồi bỏ bã, cho thêm chút đường phèn, chia uống 2 lần trong ngày.
Trị hen suyễn: cành hướng dương lượng vừa đủ, sắc uống khi đói.
Trị hen suyễn: cành hướng dương 15g, cam thảo 6g, sắc uống.
Trị sỏi thận, sỏi đường tiết niệu: dùng khoảng 1m lõi thân cây hướng dương cắt khúc, sắc nước uống ngày 1 thang, dùng liên tục trong 1 tuần.
Trị sỏi thận, sỏi đường tiết niệu: dùng khoảng 60cm lõi thân và cành hướng dương, 60g rễ rau cần cạn, sắc uống ngày 1 thang, liên tục trong nhiều ngày.
Trị viêm đường tiết niệu và sỏi tiết niệu: lõi cành hướng dương 15g sắc uống.
Trị táo bón: lấy lõi cành hoa hướng dương sấy khô, đốt thành than rồi tán bột, mỗi ngày uống chừng 6g với nước ấm.
Hoa hướng dương
Theo Đông y, hoa hướng dương vị ngọt, tính ấm, không độc, có công dụng trừ phong, minh mục (làm sáng mắt). Thường dùng để trị các chứng bệnh như đầu choáng mắt hoa, phù mặt, nặng mặt, đau răng...
Trị đầu đau: đài hoa hướng dương 30 - 60g sắc uống.
Trị đau đầu, ù tai, đau răng, đau gan, đau bụng, đau khớp, viêm vú và tăng huyết áp: dùng 30 - 90g cụm hoa hướng dương sắc uống.
Trị hoa mắt chóng mặt: đài hoa hướng dương 30 - 60g, sắc uống hoặc lấy dịch chiết luộc với 2 quả trứng gà ăn. Cũng dùng hoa hướng dương tươi 60g hầm với thịt gà ăn.
Trị hen suyễn: cánh hoa hướng dương phơi khô trong bóng râm, thái nhỏ thành sợi rồi quấn thành điếu hút như hút thuốc lá.
Trị hen suyễn: hoa hướng dương 12g rửa sạch, giã nát, hòa thêm chút đường phèn rồi uống.
Trị viêm loét âm đạo: dùng 60g hoa hướng dương khô sắc lấy nước ngâm, rửa âm đạo hàng ngày.
Trị bỏng (nước sôi, bỏng lửa): hoa và lá hướng dương sấy khô, tán bột mịn, trộn với dầu thực vật bôi lên vùng da bị bỏng lửa rất tốt.
Trị ban sởi mà sởi mọc chậm: dùng lượng hoa hướng dương vừa đủ sắc lấy nước, để nguội bớt rồi lấy khăn tẩm, chườm suốt dọc cột sống và vùng bụng ngực cho đến khi ban sởi nổi đều thì thôi.
Trị hành kinh đau bụng: dùng 40 - 50g hoa hướng dương nấu nước, gia thêm ít đường, uống trong ngày.
Trị hành kinh đau bụng: hạt hướng dương 20 - 30g, sơn tra 30g đem sao đen tán nhuyễn, rồi hãm với nước sôi, cho thêm vào ít đường để dùng trong ngày. Nên dùng trước chu kỳ kinh vài ngày (độ 2 - 3 ngày), dùng liên tiếp 3 - 4 chu kỳ, nhiều người cho kết quả tốt.
Trị bế kinh, tắt kinh: lấy 100 - 200g móng heo đem sao cho phồng lên, rồi nấu chung với 20 - 30g cành hướng dương, để dùng trong ngày.
Trị tai ù do thận hư: đài hoa hướng dương 15g, hà thủ ô 6g, thục địa 9g, sắc uống.
Trị viêm loét dạ dày tá tràng: đài hoa hướng dương 60g, sắc uống hoặc đem hầm với dạ dày heo 1 cái làm canh ăn.
Trị xuất huyết dạ dày: đài hoa hướng dương 1 cái, sắc uống.
Trị viêm đường tiết niệu và sỏi tiết niệu: đài hoa hướng dương 1 cái sắc uống.
Hạt hướng dương
Một hoa hướng dương có thể cho đến hơn 1.000 hạt. Ngày nay, hướng dương được trồng rộng rãi ở nhiều quốc gia và dầu hướng dương (làm từ hạt) đã trở thành một trong những loại dầu được sử dụng phổ biến trên toàn thế giới. Trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu về tác dụng của hạt hướng dương.
Hoa hướng dương: món ăn - bài thuốc vào dịp Tết 2

Theo Đông y, hạt hướng dương có vị ngọt, tính bình, không độc, có tác dụng an thần, chữa tinh thần uất ức, thần kinh suy nhược, chán ăn, đau đầu do suy nhược, đi lỵ ra máu, sởi không mọc được.
Trong Đông y, hạt hướng dương được sử dụng như một liệu pháp thảo dược điều trị cho chứng rối loạn gan và loét dạ dày. Hạt hướng dương cũng phòng ngừa viêm khớp, bệnh tim và nhiều bệnh khác.
Trong hạt hướng dương, nhiều nhất là vitamin E, không chỉ giúp cho việc làm đẹp mà còn ngăn ngừa tiến trình lão hóa. Các thành phần trong loại hạt này có thể thúc đẩy quá trình tái sinh tế bào, bước đầu thu được hiệu quả trong trị liệu thần kinh suy nhược, mất ngủ...
Hạt hướng dương có giá trị dinh dưỡng khá cao, chứa dầu béo, protein, caroten, canxi, sắt, phospho và nhiều loại vitamin. Việc mỗi ngày ăn một nắm hạt hướng dương sẽ giúp tăng cường trí nhớ, ngăn ngừa lão hóa, giúp bạn kéo dài sức khỏe và tuổi thanh xuân.
Hạt hướng dương góp phần phòng ngừa các bệnh mỡ trong máu cao nhờ tác dụng làm giảm cholesterol. Trên động vật thí nghiệm, nó giúp tăng cường miễn dịch để chống trực khuẩn lao. Hạt hướng dương có thể sử dụng để trị một số bệnh như giun kim (ăn hạt sống), kiết lỵ ra máu, đau đầu do suy nhược.
Lượng magie trong hạt hướng dương cũng khá cao. Ngoài việc giúp giảm huyết áp, magie còn có thể làm giảm mức độ tiến triển nặng của bệnh suyễn, phòng ngừa chứng đau nửa đầu, giảm nguy cơ đau tim, đột quỵ.
Selen trong hạt hướng dương là khoáng chất có thể giúp phòng ngừa và hỗ trợ điều trị các bệnh ung thư nhờ vào việc ngăn chặn phản ứng hóa học tạo ra các gốc tự do có thể dẫn đến ung thư, ức chế sự phát triển của khối u, đồng thời làm chậm tiến triển ung thư ở những người đang mắc bệnh.
Tăng sức khỏe tim mạch: ăn hạt hướng dương cũng có lợi cho chức năng hoạt động bình thường của hệ thống tim mạch. Chất beatine có trong hạt hướng dương giúp hạn chế sự sản xuất của homocysteine - một amino acid sulfuric chịu trách nhiệm phát triển các vấn đề như huyết khối tĩnh mạch hoặc động mạch, bệnh mạch vành... Nó cũng chứa arginine - một acid amin đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố các mạch máu và động mạch của cơ thể.
Trị đau đầu, váng đầu: lấy hạt hướng dương đã bỏ vỏ chừng 30 - 40g, gà mái 1 con làm sạch, bỏ ruột hầm cùng hạt hướng dương. Ăn thịt gà và hạt hướng dương, uống nước. 
Trị kiết lỵ ra máu: lấy hạt hướng dương đã bỏ vỏ 30g, đổ nước đun sôi hãm trong một giờ sau cho đường phèn vào uống.
Trị giun kim: hạt hướng dương sống, mỗi ngày cần ăn sống bỏ vỏ một nắm (không ăn hạt hướng dương đã chín vì sẽ kém hiệu quả).
Vỏ hạt hướng dương
Trị cao huyết áp: hạt hướng dương bỏ vỏ sao qua, tán bột, mỗi ngày uống 6g trước khi đi ngủ.
Trị tai ù do thận hư: vỏ hạt hướng dương 9 - 15g sắc uống.
Rễ cây hướng dương
Rễ hướng dương có công dụng chữa các chứng đau ngực sườn, đau do viêm loét dạ dày, tá tràng, đại tiểu tiện không thông thoáng, tổn thương do trật đả...
Trị huyết áp cao: rễ hướng dương 60g, thái vụn, sắc uống.
Trị viêm loét dạ dày tá tràng: rễ hướng dương sấy khô, tán bột, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 6g.
Hoặc dùng rễ hướng dương 15g, tiểu hồi hương 9g, sắc uống.
Trị đau tức vùng thượng vị, ăn không tiêu: dùng rễ cây hoa hướng dương, tiểu hồi hương, hạt mùi, mỗi vị 6 - 10g, sắc nước uống.
Trị táo bón: dùng rễ cây hoa hướng dưỡng giã nát, lọc lấy nước cốt, hòa với mật ong. Mỗi lần uống 15 - 30g, ngày uống 2 - 3 lần.
Trị tinh hoàn sưng đau: dùng 30g rễ cây hoa hướng dương sắc với đường đỏ uống.
Trị viêm đường tiết niệu và sỏi tiết niệu: rễ hướng dương tươi 30g sắc uống.
Trị phù thũng, tiểu tiện không thông: rễ hướng dương 15g, vỏ bí đao 30g, sắc uống hằng ngày.
Lưu ý: phụ nữ có thai không được dùng các vị thuốc lấy từ cây hoa hướng dương vì có thể gây sảy thai.
Lương y HOÀNG DUY TÂN

Sò huyết bổ ngũ tạng, trị viêm loét dạ dày tá tràng

Trong các loại sò, sò huyết chứa nhiều chất dinh dưỡng nhất, với nguồn chất đạm phong phú, ít mỡ, nhiều khoáng, sò huyết là món hải sản ngon, được nhiều người ưa thích. Thịt sò và vỏ sò đều được y học cổ truyền dùng làm thuốc.
Sò huyết bổ ngũ tạng, trị viêm loét dạ dày tá tràng 1
 Sò huyết không những là loại hải sản ngon mà còn là vị thuốc bổ ngũ tang.
Theo Đông y, thịt sò huyết có vị ngọt, mặn, tính ấm, không độc, tác dụng bổ huyết, kiện vị, chứng huyết hư, thiếu máu, kiết lỵ ra máu mũi, viêm loét dạ dày tá tràng, tiêu hóa kém. Nướng sò huyết trên than hồng, thấy vỏ sò bung ra, có nước béo màu đỏ thì lấy thịt sò ăn nóng với gia vị. Hoặc lấy thịt sò phơi, sấy khô, tán nhỏ rây bột mịn rồi uống mỗi lần 2 - 4g, ngày 2 - 3 lần. Vỏ sò vị ngọt, mặn, tính hơi lạnh, trị viêm loét dạ dày tá tràng, tiêu hóa kém, đại tiện ra máu, cam răng. Cách làm bột vỏ sò: vỏ sò đã lấy hết thịt, rửa sạch, đập vụn cho vào nồi đất trát kín, nung đến khi đỏ hồng. Lấy ra để nguội, tán nhỏ, rây bột mịn, hoặc nhúng ngay vỏ sò đang hồng vào giấm với tỷ lệ 1kg vỏ sò với 100ml giấm rồi mới tán bột mịn.
Một số cách dùng sò huyết chữa bệnh
Bồi dưỡng cơ thể suy nhược, lao phổi, thanh nhiệt: thịt sò huyết 100g,  lá hẹ 100g  ninh nhừ, ăn 2 lần trong ngày.
Chữa tăng huyết áp, bệnh béo phì: thịt sò huyết 100g, thảo quyết minh 100g, nước vừa đủ nấu chín, ăn trong ngày.
Chữa kinh nguyệt ra quá nhiều: thịt sò huyết 100g nấu với thịt lợn 100g, ăn trước khi hành kinh.
Chữa dạ dày ợ chua, tiêu tích, hóa đàm: uống bột vỏ sò 12 - 20g/1 lần với nước ấm, ngày 2 lần trước bữa cơm.
Chữa đại tiện ra máu: ngày dùng bột vỏ sò 2 lần, mỗi lần 15g, uống với nước ấm.
Chữa cam răng: uống bột vỏ sò ngày 3 lần: sáng, trưa, tối, mỗi lần 1 thìa cà phê.
Chữa tụ máu, bầm tím: ngày uống bột vỏ sò 2 lần sáng và tối, mỗi lần 1 thìa canh, uống với nước ấm, có thể hòa tí rượu trắng uống giúp thuốc chuyển vận nhanh.
Lương y Minh Chánh