Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2015

Cá chuối an thần, bổ khí huyết

Theo y học cổ truyền, cá chuối (tên khác là cá lóc, cá sộp, cá quả,…) có vị ngọt, tính bình, không độc, có tác dụng bổ khí huyết, gân xương, trừ đàm, bồi bổ sức khỏe cho người cao tuổi, người mới ốm dậy... Dưới đây là một số món ăn, bài thuốc từ cá chuối để bạn đọc tham khảo và áp dụng:
Bài 1: Thanh nhiệt, sinh tân dịch, phòng và trị cảm nắng, nóng: Cá chuối 1 con 300g, làm sạch, cắt khúc, đậu bắp 40g, dứa 20g, cà chua 30g, giá đậu xanh 40g, gia vị vừa đủ, thêm nước nấu canh ăn.
Cá chuối an thần, bổ khí huyết
Cá chuối an thần, bổ khí huyết
Cá chuối nấu với đậu đỏ và bí đao có tác dụng thanh nhiệt.
Bài 2: Hỗ trợ điều trị lao phổi: Cá chuối 1 con khoảng 300g, gừng tươi 3 lát, gia vị vừa đủ. Cá làm sạch, cắt khúc, nêm gia vị, gừng tươi, thêm nước đun chín nhừ. Mỗi tuần ăn 2 - 3 lần.
Bài 3: Bổ não an thần, ích khí bổ huyết: Đầu cá chuối 300g, xuyên khung 12g, hà thủ ô chế 15g, hoàng kỳ 30g, táo đỏ 4 quả, gừng tươi 3 lát. Đầu cá bỏ mang, táo bỏ hạt, nước vừa đủ. Tất cả cho vào nồi nấu với lửa to. Khi sôi hầm 2 giờ với lửa nhỏ, thêm gia vị, ăn trong bữa cơm. Dùng thích hợp cho người cao tuổi sức yếu, trí nhớ suy giảm, mệt mỏi, kém ăn.
Bài 4: Chữa mồ hôi trộm ở trẻ: Cá chuối 100g, làm sạch, lóc lấy thịt, thái nhỏ, rán cho vàng thơm, nấu với 400ml nước còn 100ml, thêm gia vị, cho trẻ ăn cả cái lẫn nước trong ngày. Tuần ăn 2- 3 lần.
Bài 5: Thanh nhiệt, điều hòa dạ dày, tiêu thũng: Cá chuối 1 con 300g, đậu đỏ 50g, vỏ bí đao 30g. Cá làm sạch, cho vỏ bí đao vào bụng cá rồi nấu với đậu đỏ, đun tiếp 30 phút là dùng được, ăn cả cái lẫn nước. Ăn 3 -5 ngày.
Bài 6:  Trị cảm lạnh: Cá chuối 500g, gạo tẻ 200g, gừng tươi vài lát. Cá làm sạch, luộc chín, gỡ lấy thịt, nấu với gạo thành cháo, thêm gia vị, gừng, ăn nóng cho ra mồ hôi... Dùng cho người bị cảm lạnh, sợ gió, đau đầu nghẹt mũi, ho đờm nhiều.
Bài 7: Bổ não, tăng trí nhớ, chữa đau đầu, hay quên: Cá chuối 1 con 500g,  làm sạch, khứa xéo trên thân cá rồi ướp gừng, gia vị. Hấp cách thủy chín, ăn trong bữa cơm. Có thể ăn thường xuyên.

Bài 8: Hỗ trợ điều trị tăng huyết áp: Cá chuối làm sạch, luộc chín, gỡ lấy thịt 100g, rau cần ta 150g, gừng tươi, gia vị vừa đủ, nấu canh ăn tuần 2-3 lần. Dùng cho người bệnh tăng huyết áp, đau đầu chóng mặt, ù tai khó ngủ.


Dược thiện chữa phù chân

Theo y học cổ truyền, phù chân có nhiều nguyên nhân, có khi do ngoại tà thủy thấp xâm nhiễm, có khi do nội tạng tỳ phế thận khí hư sinh thủy thấp mà phù. Người bệnh bị phù do thận khí hư thường có biểu hiện phù nhiều từ lưng trở xuống, đi tiểu chậm, tiểu ít không tự chủ, lưng đau gối mỏi, chân không ấm, mạch trầm trì. Phép trị chủ yếu là ôn thận, kiện tỳ hóa thấp... Bên cạnh dùng thuốc, người bệnh nên dùng các món ăn thuốc sau để hỗ trợ trị bệnh.
Dược thiện chữa phù chân
Tôm kho củ kiệu thích hợp với người thận hư, phù thũng.
Cá chép om đậu đỏ: cá chép, đậu đỏ, hành, gừng, gia vị vừa đủ om ăn. Trong bài, cá chép bổ tỳ vị, hóa thấp, tiêu phù, trị tỳ vị hư, thủy thũng...; đậu đỏ lợi thủy, hành huyết, tiêu sưng, rút mủ, trị thủy thũng, cước khí, cổ trướng và ung nhọt...; ý dĩ kiện tỳ bổ phế, thanh nhiệt, thấm thấp...; hành hoa giải biểu, thông dương, lợi tiểu... Món ăn kiện tỳ ôn thận, lợi thấp, trị phù và chứng liên quan, chữa tỳ thận khí hư hiệu quả.
Tôm kho củ kiệu: tôm hoặc tép tươi, củ kiệu, hành, tiêu, gia vị vừa đủ kho ăn. Trong bài, tôm vị ngọt tính ấm hơi độc, tác dụng khí ích huyết chữa chứng bụng tích báng, huyết ứ...; kiệu thông dương, bổ trung, an thai, lợi thủy, điều hòa nội tạng...; hành, tiêu, gia vị kiện tỳ khai vị, trừ hàn thấp... Món này ôn bổ tỳ thận trừ hàn thấp, dùng rất thích hợp cho người bị thận khí hư, phù thũng, đau lưng nhức mỏi.
Lẩu cá lóc: cá lóc, hoa lý, cải xoong, cải bẹ xanh, rau đắng, hành hoa gia vị vừa đủ nấu lẩu ăn. Trong bài, cá lóc khử thấp, trừ phong, tiêu thũng, bổ gân xương tạng phủ...; hoa lý bổ tâm tỳ, ích thận, an thần dễ ngủ, trừ thấp nhẹ người...; rau hành giải biểu, thông dương, lợi tiểu...; cải xoong kiện tỳ, mát gan, lợi mật, thông tiểu tiện...; cải canh kiện tỳ vị, tiêu đàm, chữa đầy bụng, chậm tiêu...; rau đắng bổ tâm tỳ, ích khí lợi cơ khớp, trừ thấp...; hành gừng, tiêu, gia vị ấm tỳ thận... Món này phòng trị chứng thấp, tê mỏi, phù thũng, viêm thận cấp và mạn tính.
Cháo chân dê đậu xanh: chân dê 4 cái làm sạch chặt khúc ninh nhừ, đậu xanh, hành, gạo mới, gừng, mùi tàu, hạt tiêu, gia vị vừa đủ nấu cháo ăn. Trong bài, chân dê bổ khí dưỡng huyết, lợi sữa, mạnh gân xương...; đậu xanh bổ tỳ, thanh nhiệt, tiêu phù, hạ khí, lợi ngũ tạng...; gạo bổ tỳ vị, dưỡng khí huyết...; mùi tàu khai vị, tiêu thực, thanh nhiệt, giải hàn thấp trừ thấp... Món này rất tốt cho người phù thũng gân xương yếu, phụ nữ sau sinh ít sữa.
Cá chạch kho nghệ: cá chạch, quả sung, nghệ tươi, gừng, hành củ, mắm muối, gia vị vừa đủ kho ăn. Trong bài, cá chạch ích khí, bổ tỳ lợi thấp, chữa chứng tiêu khát, giải độc... Quả sung ích tỳ, lợi thấp, chữa bụng lạnh tiêu chảy... Hành, gừng, tiêu khiên tỳ khai vị, lợi thấp thông dương... Món này bổ, ấm tỳ thận, lợi thấp, chữa phù do tỳ thận khí hư hiệu quả.
Thịt gà hầm cà rốt: thịt gà trống, cà rốt, đậu trắng, hành, gừng, tiêu gia vị vừa đủ hầm nhừ ăn. Trong bài, thịt gà trống bổ ích tỳ vị, an thai liền xương, chữa thủy thũng, tê tay chân...; đậu trắng bổ tỳ, trừ thấp hòa trung; ý dĩ kiện tỳ bổ phế, thanh nhiệt, thấm thấp...; hành tây kiện tỳ, hòa trung, tiêu thực sát khuẩn, lợi tiểu tiện...; gừng, hành tiêu kiện tỳ khai vị trừ hàn thấp thông dương... Món này bổ khí huyết, kiện tỳ, ích thận trừ thấp, chữa phù, nhức mỏi chân tay.

Người bệnh nên kiêng thực phẩm có vị chua, đắng, lạnh như cam, chanh, me, xoài, mướp đắng, dưa leo; hạn chế thịt cá kho mặn, thịt cá phơi khô muối mặn để lâu...; rượu bia, nước ngọt, nước trái cây đóng hộp; các món mặn quá, ngọt quá, béo quá khó tiêu nên kiêng.

Thứ Ba, 27 tháng 10, 2015

Món ăn thuốc ngừa hen phế quản

Sang thu khí trời chuyển mùa nên thời tiết thường se lạnh khô hanh. Nhưng cũng chính thế mà các bệnh về phổi hay phát sinh hoặc tái phát. Thông thường hay gặp như viêm long đường hô hấp trên biểu hiện khô rát họng... Bởi vậy sách Nội kinh có viết: “Mùa thu dưỡng phế khí”. Từ đấy trong y học phương Đông người ta đã biết chế biến những món ăn thuốc có tác dụng phòng ngừa hoặc làm giảm nhẹ sự phát sinh và phát triển của chứng hen phế quản. Đó là những món ăn thuốc phòng chống hen phế quản trong mùa thu. Dưới đây xin giới thiệu một số món ăn thuốc để mọi người cùng tham khảo và có thể lựa chọn sử dụng khi cần thiết.
- Canh phổi lợn, nhị tử: kha tử 6g, ngũ vị tử 20 hạt, phổi lợn hay phổi bò 1 cái. Rửa sạch phổi, cho cùng các vị thuốc vào nồi nấu thành canh. Khi phổi nhừ nêm gia vị vừa miệng. Ăn cái uống nước canh, mỗi ngày 1 lần, cần ăn liền 7-10 ngày.
- Canh yến sào, bạch chỉ: Bạch chỉ 12g, yến sào 12g, đường phèn một ít. Cho thuốc vào nồi đất, nổi lửa, để nhỏ liu riu hầm kỹ đến nhừ. Bỏ bã, cho đường phèn hòa tan, chia đôi nước uống vào buổi sáng và buổi tối trong ngày. Cần uống từ 10-15 ngày liền.
- Tắc kè hầm đường phèn: Tắc kè vài con, đường phèn lượng đủ dùng. Tắc kè sấy khô tán bột. Cất đi dùng dần. Mỗi lần lấy 5-6g bột tắc kè cho đường phèn vào nấu kỹ. Uống ngày 1 lần, uống liền 1 tháng (30 ngày).
Món ăn thuốc ngừa hen phế quản
Chim sẻ.
- Trứng vịt, bách hợp, xuyên bối: Lá dâu 30g, xuyên bối 5g, bách hợp 20g, trứng vịt 2 quả. Lá dâu sắc lấy 500ml nước, xuyên bối tán bột đổ vào cùng bách hợp, rồi cho vào nồi đun cách thủy đến khi thấy bách hợp chín, đập trứng vịt cho vào, nêm đủ gia vị đun sôi nhào là được. Uống như vậy khoảng 1 tuần (7 ngày) là được.
- Phổi lợn hầm lê tuyết, xuyên bối: Phổi lợn 250g, xuyên bối mẫu 10g, lê tuyết 2 quả, đường phèn một ít. Lê tuyết cắt thành miếng, phổi lợn cũng thái miếng, tất cả cho cùng vào xuyên bối mẫu vào trong nồi đất, thả chút đường phèn vào, đổ nước hầm đến khi nhừ là được. Cần ăn thường xuyên một thời gian.
- Nhau thai hầm trùng thảo: Nhau thai tươi 1 chiếc, rửa sạch thái miếng, đông trùng hạ thảo 10-15g. Tất cả cho vào nồi đất hầm chín nêm gia vị vừa miệng. Mỗi tuần ăn 1 lần. Cần ăn liền 5-10 lần.
- Củ cải nấu mật ong: Củ cải 100g, rửa sạch cắt khúc, mật ong 15-20ml. Cho vào nấu chung chín đem ra ăn hết 1 lần. Cần ăn liền 10-15 ngày liền.
- Vịt già hầm trùng thảo. Vịt già 1 con làm sạch bỏ ruột, ngũ tạng, chặt miếng, đông trùng hạ thảo 10-15g. Cho thịt vịt già vào nồi hầm nhừ, cho đông trùng hạ thảo vào nấu tiếp 10 phút, nêm gia vị vừa đủ, đem ra ăn. Ăn tuần 1-2 lần. Cần ăn 5-10 lần liền.

- Chim sẻ hấp đường phèn: Chim sẻ 3-5 con, làm sạch lông moi bỏ ruột, bỏ vào bát tô to, thả đường phèn 15g vào bát, đậy nắp cho vào nồi hầm cách thủy chín nhừ, nêm đủ gia vị mang ra ăn hết trong ngày. Mỗi ngày ăn 1 lần. Cần ăn 10-15 ngày liền.


10 món ăn, bài thuốc từ dạ dày dê

Theo Y học cổ truyền, dạ dày dê và các bộ phận khác như thịt, xương, nội tạng của dê đều có thể dùng làm thuốc... Dạ dày dê được chế biến phối ngũ phù hợp làm tăng thêm phần ngon bổ và trị bệnh. Dạ dày dê (dương đỗ) vị cam, tính ấm, không độc, tác dụng bổ hư, kiện kỳ, ích vị..., chủ trị chứng tỳ vị hư hàn, hay bị ói, nhiều mồ hôi, tay chân lạnh, tiểu đêm nhiều lần.
10 món ăn, bài thuốc từ dạ dày dê
Dạ dày dê xào dứa trị chứng đầy bụng chậm tiêu, viêm tiết niệu, tiểu buốt, dắt.
Nhiều tài liệu còn cho biết, dạ dày dê có chứa protid, lipid, glucid, vitamin A, B1, B2 và một số men rất cần cho tiêu hóa. Sau đây là một số món ăn tiêu biểu từ dạ dày dê:
1. Canh dạ dày dê hạt sen: dạ dày dê mới lớn, hạt sen, đậu phụng, táo đỏ, nấm mèo, gừng, hành lá, mắm, muối gia vị vừa đủ hầm nhừ ăn. Công dụng: trị các chứng ǎn ngủ kém, hay bị tiêu chảy, viêm dạ dày ruột, di tinh mộng tinh, tiểu đêm, trẻ em nhiều mồ hôi.
2. Canh dạ dày dê hầm ngũ đậu: dạ dày dê 1 cái, đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ, đậu phụng, đậu trắng, gừng, hành mắm, muối gia vị vừa đủ hầm ăn tuần vài lần. Công dụng: bổ khí huyết, tăng cường sức khỏe, phòng trị chứng thiếu máu, nhiều mồ hôi, người lớn gầy khó lên cân, trẻ em còi cọc chậm lớn.
3. Canh dạ dày dê nấm hương: dạ dày dê, nấm hương, cà rốt, hành tây, hành lá, mắm, muối, đường, tiêu gia vị vừa đủ nấu ăn. Công dụng: bổ tỳ thận, ích khí, lợi ngũ tạng, giúp trị chứng đầy bụng, nôn ói, kiết lỵ, viêm gan vàng da thấp nhiệt, đái tháo đường, tiêu chảy, sa dạ dày, rối loạn tiểu tiện, các chứng ăn kém, hư nhược.
4. Dạ dày dê xào cần tây: dạ dày dê, cần tây, hành lá, mắm, muối, tiêu gia vị vừa đủ xào ăn. Công dụng: trị bụng đầy chậm tiêu, viêm gan vàng da thấp nhiệt, đau thượng vị, tức ngực sườn do huyết ứ khí trệ.
5. Dạ dày dê xào dưa chua: dạ dày dê, dưa chua, cà chua, thì là, tỏi, hành ngò, dầu ăn, mắm muối, gia vị vừa đủ xào ăn. Công dụng: trị chứng miệng lợi sưng lở, viêm đại tràng, viêm gan vàng da, đau thượng vị miệng đắng, các chứng đau do nhiệt tích trệ.
6. Súp dạ dày dê: dạ dày dê, cà rốt, khoai tây, khoai lang, sữa, nước dừa, cà ri, tỏi, muối gia vị vừa đủ nấu súp ăn. Công dụng: bổ tỳ thận, cầm tả lỵ, trị chứng táo bón, tiêu chảy, tả lỵ, viêm gan vàng da, đái tháo đường, huyết áp, thiếu máu.
7. Dạ dày trộn củ kiệu: dạ dày dê luộc thái, củ kiệu muối chua, hành tây thái, rau răm, rau húng, đậu phụng rang, mắm, muối, chanh, đường, tiêu gia vị vừa đủ trộn ăn. Công dụng: trị chứng đau tức ngực sườn, thượng vị, tiêu chảy kiết lỵ, chứng tay chân lạnh do dương khí hư.
8. Canh dạ dày dê rau củ: dạ dày dê, nấm hương, cà rốt, khoai tây, hành, mắm muối, gia vị vừa đủ hầm ăn. Công dụng: bổ khí huyết, ích tạng phủ, hỗ trợ trị chứng hư nhược tiêu hóa kém, chức năng gan thận yếu, tăng huyết áp, đái tháo đường, thiểu năng tuần hoàn não rất hiệu quả.
9. Dạ dày dê xào ngũ nấm: dạ dày dê, nấm hương, nấm rơm, nấm mỡ, nấm sò, nấm mèo... cà rốt, hành tây, dầu ăn, hạt tiêu, hành ngò, mắm muối, gia vị vừa đủ xào ăn. Công dụng: bổ tỳ vị, tăng khả năng miễn dịch của cơ thể, giải độc, bảo vệ tế bào gan.
10. Dạ dày dê xào dứa: dạ dày dê, dứa chín, ớt chuông, dưa leo, thì là, tỏi, hành ngò, dầu ăn, mắm muối, gia vị vừa đủ xào ăn. Công dụng: trị chứng bụng đầy chậm tiêu, viêm tiết niệu, tiểu buốt tiểu dắt, sỏi tiết niệu...

Ngoài ra, dạ dày dê nấu với khoai từ, khoai sọ, khoai mỡ, khoai sáp, củ đậu, củ dền, hoặc nấu với rau cải, rau ngót, đều tốt. Tuy nhiên, dạ dày dê có tính ấm, bổ dương khí, người nội nhiệt, người nóng bứt rứt, răng lợi hay chảy máu không nên dùng nhiều. Người hay bị lưng chân nóng, đi tiểu vàng do “thận nhiệt”, chứng ngoại tà đang viêm nhiễm, sốt nóng, chứng thống phong (gút) nên kiêng ăn.


Chữa bệnh từ món ăn với cây chua ngút

Theo y học cổ truyền cây chua ngút có vị chua, tính mát; vào kinh can; có tác dụng thanh nhiệt, tiêu viêm, sát khuẩn, chỉ khát... dùng chữa ăn uống không tiêu, bụng đầy trướng, chữa mụn nhọt, lở ngứa ngoài da.
Cây chua ngút có tên khác là cây lá thùn mùn chua khan, dây cao su hồng. Là loại dây leo, sống lâu năm, có thể dài tới 50m. Thân mềm, nhẵn, cành non màu xanh lục nhạt; cành già màu nâu sẫm. Lá hình trứng, mọc đối, gốc tròn, đầu nhọn, mép nguyên, gân phụ lá so le, gốc gân phụ lá có tuyến; lá có vị chua ăn được. Hoa nhỏ màu phớt hồng, mọc thành chùm. Hạt có chùm lông ở đỉnh. Cây ra hoa tháng 2-4, có quả tháng 3-10. Cây mọc hoang phổ biến ở những nơi có nhiều ánh sáng, ven rừng hoặc trên đồi đất hoang ở khắp nước ta nhất là vùng Nam bộ.
Chữa bệnh từ món ăn với cây chua ngút
Canh chua ngút nấu cá có tác dụng thanh nhiệt.
Bộ phận dùng làm thuốc là quả, rễ và lá. Thu hái quả vào mùa thu khi quả chín, hái về xát vỏ phơi khô lấy hạt, khi dùng sao vàng tán nhỏ. Rễ lấy về rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô. Lá dùng tươi làm rau ăn. Lá chua ngút cùng với các nguyên liệu thịt, cá dùng để nấu canh chua trong thực đơn hàng ngày của mọi gia đình.
Một số bài thuốc dân gian
Bài 1: Chữa đau nhức xương khớp do thay đổi thời tiết: Rễ chua ngút tươi 40g (khô 20g), rửa sạch, cho vào ấm đổ 500ml nước sắc còn 200ml, chia 2 lần uống trong ngày, tùy vào cơ địa nhiệt hay hàn mà có thể kết hợp thêm với các vị thuốc.
Bài 2: Chữa ăn không tiêu, bụng trướng đầy: Lá chua ngút 30 - 50g, rửa sạch, đổ 550ml nước sắc còn 300ml, chia 3 lần uống trong ngày, uống sau ăn 30 phút. Dùng liên tục 5 ngày.
Bài 3: Chữa nước tiểu sẻn đỏ do nóng: Lá chua ngút nấu canh chua với cá hay thịt gà. Ngoài ra, lá chua ngút nấu canh chua có tác dụng làm giảm khả năng gây dị ứng của hải sản và thịt gia cầm gia súc do có tác dụng thanh nhiệt giải độc.
Bài 4: Hỗ trợ trị sỏi đường tiết niệu: Lá chua ngút 100 - 200g, rửa sạch, đổ 550ml nước sắc còn 250ml, chia 2 lần uống trong ngày. Dùng liên tục 15 ngày.

Bài 5: Chữa mụn nhọt, lở ngứa ngoài da, vết thương (vết thương nhỏ, hẹp): Lá tươi rửa sạch, giã nát, đắp lên vết thương ngày 2 lần. 2 giờ thay băng, dùng liền 3 ngày.