Thứ Ba, 12 tháng 5, 2015

Thực phẩm giúp đẩy lùi bệnh tim

Các bệnh lý tim mạch như xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, hẹp mạch vành... ngày càng nhiều và phổ biến ở xã hội hiện đại. Tuy nhiên, tạo dựng thói quen sinh hoạt và ăn uống khoa học kết hợp lựa chọn những thực phẩm quen thuộc dễ kiếm có tác dụng phòng chống bệnh tim mạch sẽ giúp đẩy lùi căn bệnh có tỉ lệ người mắc đứng hàng đầu thế giới.
Nguyên tắc dinh dưỡng đề phòng bệnh tim tới “hỏi thăm”
Tuân thủ nghiêm ngặt chế độ dinh dưỡng: Nên ăn 3 bữa/ngày (người già 4-5 bữa/ngày), ăn đúng giờ quy định để tạo cho cơ thể hình thành phản xạ: dạ dày tiết nhiều dịch vào khoảng thời gian nhất định, khiến sự tiêu hóa thức ăn diễn ra nhanh và dễ dàng.
Hạn chế dùng muối ăn: Thói quen ăn mặn rất có hại, là một trong những nguyên nhân gây bệnh tăng huyết áp. Huyết áp cao làm tăng nguy cơ tai biến mạch máu não, suy thận, suy tim và xuất hiện các cơn đau tim. Giảm muối natri: nghiên cứu dịch tễ học cho thấy ở các quần thể dân cư có tập quán ăn mặn thì tỷ lệ người bị tăng huyết áp cao hơn hẳn với các quần thể có tập quán ăn nhạt hơn. Vì vậy, chỉ nên ăn dưới 6 gam muối/ngày.
Ăn vừa đủ no: Để tránh bị thừa cân và phòng ngừa bệnh tật, mỗi người nên ăn vừa đủ no, không ăn nhiều, ăn cố.
Thực phẩm giúp đẩy lùi bệnh tim
Tạo dựng thói quen ăn uống khoa học sẽ tốt cho sức khỏe tim mạch.
Hạn chế thức ăn có nhiều chất béo: Hạn chế sử dụng các loại thịt, cá xuống còn 150-200 gam/ngày. Sử dụng thịt thăn, thịt bắp không dính mỡ. Loại bỏ tất cả những phần mỡ nhìn thấy trước khi chế biến và lượng mỡ được tạo ra trong quá trình đun nấu. Không ăn nước xào, nước ninh xương ống, xương cục; không ăn da, đầu, cổ, cánh, chân của các loại gia cầm; hạn chế ăn phủ tạng động vật.
Những thực phẩm giúp bạn tránh xa khỏi bệnh tim
Hoa quả chín: Các nghiên cứu phát hiện ra rằng các loại hoa quả sau khi ăn vào sẽ được cơ thể hấp thu. Tại đường tiêu hóa, nó có thể “bao vây” chất cholesterol và những chất có chứa cholesterol và thải ra theo phân. Các chuyên gia tin rằng, nếu giảm được 1% lượng cholesterol trong máu thì sẽ giảm được 2% khả năng phát sinh ra bệnh tim mạch. Đây chính là nguyên lý ăn hoa quả để phòng bệnh tim mạch. Những hoa quả như táo, hạnh đào, cam quýt... đều rất tốt.
Bưởi: Kết quả nghiên cứu mới nhất cho thấy, bưởi làm hạ lượng cholesterol nên có thể phòng bệnh tim. Ăn bưởi giúp hạ cholesterol mà còn giảm bớt mức độ tổn hại của thành mạch. Đặc biệt, chất tinh dầu trong vỏ bưởi có thể ngăn cản việc hấp thụ cholesterol của ruột non, để tăng hiệu quả có thể trộn lẫn với bột đậu để dùng.
Táo: Người Hy Lạp cổ coi táo là “thuốc thanh xuân”. Y học hiện đại cũng khuyên bệnh nhân tuỳ theo bệnh mà ăn các loại táo khác nhau, riêng để phòng bệnh xơ cứng động mạch thì tất cả các loại táo đều tốt. Kết quả nghiên cứu cho thấy, người bệnh xơ cứng động mạch sau khi mỗi ngày ăn 300g táo trong thời gian dài, hiện tượng xơ cứng đã giảm.
Khoai tây: Người bị bệnh tim đều bị phù thũng ở các mức độ khác nhau nên thường dùng thuốc lợi tiểu, dễ gây mất kali cho cơ thể. Do vậy, những người này cần thường xuyên ăn khoai tây giàu chất kali, vừa bổ sung kali lại bổ sung protid, khoáng chất và vitamin.
Hành tây: Hành tây là một loại gia vị thông dụng, chứa nhiều vitamin, khoáng chất, canxi, phốtpho, sắt... Theo kết quả đã nghiên cứu 5.132 đối tượng trong 25 năm và thấy rằng, hành tây giúp phòng chống bệnh động mạch vành rất tốt. Trong hành có chứa chất chống ôxy hoá, nó có tác dụng giảm tích tụ tiểu cầu, giảm thiếu máu cục bộ, tránh tổn thương mạch và từ đó có tác dụng phòng bệnh tim. Ngoài ra, một số loại quả khác như cà rốt, cải thảo, bí xanh, cà tím, cà chua, nho đỏ cũng có tác dụng tương tự.
Cà chua: Theo các nhà khoa học Mỹ thì cà chua có tác dụng bảo vệ tim và hạ tỷ lệ phát bệnh tim. Lý do vì trong cà chua có một chất chống ôxy hoá rất mạnh, có thể phòng chống tổn thương cho tế bào cơ tim. Các nhà dinh dưỡng học khuyên mỗi ngày ăn một quả cà chua sống là đủ, nếu uống nước cà chua thì không quá 200ml/ngày. Tuy nhiên, không nên ăn cà chua lúc đói vì cà chua có lượng axit lớn, nếu ăn vào nó sẽ kết hợp với dịch chua trong dạ dày trở thành hợp chất không hoà tan làm áp lực trong dạ dày tăng cao, dễ dẫn tới đau dạ dày.

BS. Trần Anh Ngọc

Món ăn cho người suy nhược cơ thể do tỳ phế hư

Suy nhược cơ thể do tỳ phế đều hư hay gặp ở người mắc bệnh mạn tính ở phổi và ở đường tiêu hóa. Người bệnh có biểu hiện ho lâu ngày, đờm nhiều loãng, trướng bụng, đại tiện lỏng, rêu lưỡi trắng, chất lưỡi nhạt bệu, mạch hư tế. Y học cổ truyền có nhiều bài thuốc và món ăn trị bệnh theo phương pháp kiện tỳ bổ ích phế khí. Xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo.
Bài 1. Sâm linh bạch truật tán: bạch truật 12g, đảng sâm 16g, bạch linh 8g, cam thảo 4g, hoài sơn 12g, biển đậu 12g, ý dĩ 12g, trần bì 6g, cát cánh 8g, liên nhục 12g, sa nhân 6g. Tán bột, mỗi ngày uống 20g.
Bài 2. Thự dự hoàn: hoài sơn 12g, phục linh 10g, bạch truật 12g, cam thảo 6g, đảng sâm 16g, thục địa 10g, bạch thược 10g, đương quy 10g, thần khúc 10g, can khương 4g, biển đậu 8g, quế chi 4g, phòng phong 8g, bạch chỉ 10g, mạch môn 10g, sài hồ 10g, cát cánh 8g, đại táo 12g. Tán bột, ngày uống 20g.
Nếu người bệnh có các triệu chứng thở ngắn gấp, da xanh, người mệt mỏi, chóng mặt, hoa mắt, hồi hộp, đánh trống ngực, chất lưỡi nhạt, mạch nhu tế là dấu hiệu khí huyết đều hư. Phương pháp chữa là bổ khí huyết. Dùng một trong các bài:
Bài 1. Bổ trung ích khí: nhân sâm 6g, hoàng kỳ 12g, đương quy 12g, bạch truật 10g, thăng ma 8g, sài hồ 8g, trần bì 4g, chích thảo 6g. Sắc uống. Bổ tỳ vị, ích khí thăng dương
Bài 2. Bát trân thang: thục địa 16g xuyên khung 8g, bạch thược 12g, bạch truật 12g, đảng sâm 16g, bạch linh 8g, đương quy 12g, cam thảo 6g.
Bài 3. Nhân sâm dưỡng doanh thang: nhân sâm 12g, bạch linh 12g, đương quy 12g, bạch thược 12g, nhục quế 6g, bạch truật 12g, hoàng kỳ 12g, thục địa 12g, trần bì 12g, chích thảo 6g, sinh khương 5 lát, táo 5 quả. Sắc 7 bát lấy 3 bát, chia uống 3 lần.
Món ăn thuốc hỗ trợ trị bệnh
Rùa hầm sa sâm trùng thảo: thịt rùa 1 - 2 con, sa sâm 20g, trùng thảo 10g thêm gia vị nước sạch lượng thích hợp; đun nhỏ lửa hầm nhừ. Dùng cho các bệnh nhân thiếu máu, suy tủy, bệnh nhân sau khi bị sốt nhiễm khuẩn dài ngày suy nhược thiếu máu, hen phế quản mạn, lao phổi khái huyết.
Long nhãn sâm mật cao: đảng sâm 500g, sa sâm 250g, long nhãn 125g, mật ong 500g. Dược liệu nấu cao lỏng (bỏ bã thuốc), cho mật ong vào, đun sôi lại, đựng trong chai lọ thủy tinh. Mỗi lần uống 20ml với nước sôi khi đói. Dùng cho các trường hợp suy nhược, suy kiệt, nói thở nhỏ yếu, cơ lực suy giảm, ho khan ít đờm.
Gà hầm tam thất: gà mái 1 con (khoảng 1kg), tam thất tán bột 20g. Gà làm sạch, cho tam thất vào bụng gà, hầm cách thủy cho chín, thêm gia vị cho ăn. Dùng cho trường hợp suy nhược, khí huyết hư, ăn kém mệt mỏi, da tái nhợt thiếu máu.
Chim cút cật lợn: chim cút 3 con, gạo tẻ 150g, đậu đỏ 60g, cật lợn 100g. Chim cút làm sạch, cật lợn thái lát. Tất cả nấu cháo, thêm gia vị. Dùng cho các trường hợp ho lao, mệt mỏi thở gấp, rối loạn tiêu hóa, ăn kém, viêm thận phù nề, đau lưng mỏi gối, suy kiệt, thiểu dưỡng.
Cháo củ mài: sơn dược 30g, gạo nếp 50g. Nấu cháo thêm đường trắng hay muối ăn tùy ý. Dùng ăn quanh năm, ăn phụ sáng và tối, ăn nóng cho các trường hợp tỳ vị hư, tiêu chảy, hội chứng lỵ mạn tính, hư lao, khí huyết hư, chán ăn, khô miệng khát nước, táo bón.
Cơm nếp hấp nhân sâm đại táo: đại táo 20g, nhân sâm 6g, gạo nếp 100g. Ngâm nhân sâm, đại táo mềm, nấu khoảng 30 phút, gạn nước để riêng, sâm táo để riêng. Gạo nấu cơm, cơm đơm lên đĩa, trên đặt sâm táo. Nước hãm sâm táo đun cho cạn bớt nước thành dịch đặc sánh rưới trên cơm nếp. Dùng cho các trường hợp khí hư, cơ thể suy nhược, ăn kém chậm tiêu.
Lương y Thảo Nguyên

Dược thiện từ hoa bí ngô

Hoa bí ngô ngoài giá trị về dinh dưỡng còn có giá trị phòng và chữa bệnh. Theo Đông y, hoa bí ngô vị ngọt, tính hàn vào kinh tâm, tỳ, vị có tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, bổ can thận, sáng mắt, kháng viêm, tiêu độc, chỉ thống và chống dị ứng... thích hợp trị các chứng suy giảm chức năng can thận, suy giảm thị lực, viêm đường tiết niệu... Sau đây xin giới thiệu một số món ăn - bài thuốc từ hoa bí ngô để bạn đọc tham khảo khi cần thiết.
Dược thiện từ hoa bí ngô
Hoa bí ngô xào gan lợn giúp sáng mắt.
Canh hoa bí ngô đường phèn: hoa bí ngô 30 - 50g, đường phèn 5 - 10g, tất cả đem nấu canh ăn trong ngày. Bài thuốc có tác dụng thanh nhiệt, trừ thấp, hạ khí tiêu đờm. Thích hợp trị các chứng ho đờm vàng đặc, chân tay nặng nề, ăn uống kém... hoặc có thể lấy 5 - 7 bông hoa bí ngô, một thìa đường phèn, hãm uống.
Canh hoa bí ngô kim ngân, long đởm thảo: hoa bí ngô 30 - 50g, hoa kim ngân non 15 - 10g, long đởm thảo 20 - 30g. Trước tiên cho long đởm thảo vào xoong cho nước vừa đủ đun sôi 25 - 30 phút tắt bếp gạn lấy nước trên bỏ bã rồi cho hoa bí và kim ngân vào nấu thành canh, nêm gia vị vừa đủ múc ra ăn. Bài thuốc có tác dụng thanh nhiệt, tả hỏa, khứ thấp, dưỡng can mộc thoái hoàng. Thích hợp cho các chứng vàng da, viêm gan cấp, mạn tính, gan nhiễm mỡ, đau mắt đỏ...
Canh hoa bí ngô rau sam: hoa bí ngô 30 - 50g, rau sam 20 - 30g, tất cả đem nấu canh ăn 5 - 7 ngày. Bài thuốc có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tán huyết, tiêu thũng, mạnh trường vị, thông đại tiểu tiện và diệt khuẩn. Thích hợp cho hội chứng lỵ, viêm đường tiết niệu, sỏi đường tiết niệu (đái dắt, đái buốt, đái ra máu), mụn nhọt lở ngứa, viêm đại tràng, táo bón... Ngoài ra, có thể kết hợp với đậu Hà Lan hoặc đậu đen...
Hoa bí ngô xào gan lợn: hoa bí ngô 50 - 70g, gan lợn 200 - 300g đem xào ăn trong ngày. Bài thuốc có tác dụng dưỡng huyết thanh can sáng mắt. Thích hợp cho các chứng: quáng gà, suy giảm thị lực, cận, viễn thị...
Bài thuốc từ hoa bí ngô: hoa bí ngô 30g, hoa kim ngân 25g, vỏ quýt 15g, bồ công anh 30g rửa sạch, sắc uống ngày một thang, uống liền 5 - 7 ngày. Bài thuốc có tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, tiêu viêm, chỉ thống. Thích hợp cho các chứng viêm tuyến vú, viêm xơ tuyến vú, mẩn ngứa, mày đay, viêm đường tiết niệu...
Chú ý: Hoa bí ngô có tính hàn và nê trệ, những người ăn uống ậm ạch khó tiêu và lạnh chân tay không nên dùng.

   Lương y Chu Văn Tiến

3 loại rau giúp quý ông ngày càng "sung mãn" hơn

1. Bí đao phòng tránh 'ngã ngựa', suy giảm tình dục
 3 loại rau giúp quý ông ngày càng "sung mãn" hơn
Bí đao giã nhuyễn, lộc nhung thái mỏng ngâm rồi hấp. Tất cả đánh đều hấp chín ăn cách ngày 1 lần trong tháng giúp quý ông tránh tình trạng 'ngã ngựa' khi quan hệ.
Thận khí hư suy, lưng đau gối mỏi, suy giảm tình dục, các quý ông có thể cải thiện tình trạng này bằng cách áp dụng công thức sau: bí đao 100g, lộc nhung 5g, trứng bồ câu 5 quả lấy lòng đỏ, dầu, muối, gia vị.
2. Mướp chữa di tinh
 3 loại rau giúp quý ông ngày càng "sung mãn" hơn
Có thể hiểu di tinh là một chứng bệnh rối loạn sinh lý, trong đó chủ thể không thể kiểm xoát được quá trình xuất tinh. Để giúp giải quyết tình trạng này, cácquý ông nên dùng công thức sau:
Mướp 1 quả (mướp phơi sương) thái nhỏ ngâm nước sôi, củ súng 10g. Nấu củ súng lấy nước hòa vào nước mướp để uống. Áp dụng thường xuyên tình trạng di tinh sẽ giảm dần.
3. Rau muống tăng cường tuần hoàn
 3 loại rau giúp quý ông ngày càng "sung mãn" hơn
Trong rau muống chứa axit Arginine có tác dụng tăng NO nội sinh làm, tăng cường tuần hoàn dương vật. Các món như rau muống luộc trộn kinh giới, vừng, lạc (đã rang), rau muống xào tỏi có tác dụng cộng hưởng rất có lợi.

Món ăn cho người đái tháo đường

Các món ăn chữa trị ĐTĐ do chứng âm hư dương hư
Chứng âm hư dương hư với sự biểu hiện trong lâm sàng: đi tiểu nhiều lần, nước tiểu đục, đặc, thậm chí số lần đi tiểu rất nhiều, lượng nước tiểu nhiều hơn nước uống, mặt sạm, vành tai khô, mỏi lưng, đau khớp, người hàn, sợ lạnh. Lưỡi nhợt, rêu lưỡi ít, mạch trầm, mạch thưa, mạch yếu.
Món ăn cho người đái tháo đường
Canh ba ba bổ can bổ thẳn, dưỡng âm bổ huyết.
Chè sữa tươi: sữa bò 1.000g, hạt óc chó rán 40g, hạt óc chó sống 20g, gạo lức 50g. Chế biến: vo sạch gạo lứt, ngâm trong nước khoảng 1 giờ đồng hồ, đựng vào rá để khô nước, trộn 4 nguyên liệu nói trên với nhau, dùng cối xay xay cho mịn, rồi sàng ra vụn nhỏ. Đổ nước vào nồi đun sôi, từ từ đổ sữa bò và bột óc chó vào, vừa đổ vừa khuấy, đun đến sôi là được. Công hiệu: bổ tỳích thận, ôn dương bổ âm. Cách dùng và liều lượng: lần lượt dùng trong bữa sáng và bữa tối, trong 3 - 4 tuần liền.
Nhân sâm pha lòng trắng trứng gà: nhân sâm 6g, trứng gà 1 quả. Chế biến: nghiền nhân sâm thành bột, trộn đều với lòng trắng trứng gà là có thể dùng. Công hiệu: ích khí dưỡng âm, giải khát. Mỗi ngày dùng một lần, trong bữa cơm.
Cháo hải sâm: hải sâm 3 con, trứng gà 1 quả, lá lách lợn 1 quả, địa phu tử 10g, ruột cây hướng dương 10g. Chế biến: ngâm hải sâm đến mức nở ra, rửa sạch thái miếng, lá lách lợn thái lát, đập trứng gà vào bát, cho ít muối đánh trứng gà, đổ vào hải sâm và lá lách lợn, đưa lên khay hấp cách thủy cho chín, sau đó đổ vào nồi đất nấu với lượng nước vừa phải, sau khi đun sôi, lấy vải màn bọc lấy địa phu tử và ruột cây hướng dương cùng nấu 40 phút là được. Công hiệu: bổ thận ích tinh, trừ hư nhiệt. Dùng trong bữa ăn hoặc dùng làm điểm tâm.
Các món ăn chữa trị ĐTĐ do chứng nhiệt phương hại phổi
Những biểu hiện điển hình trong lâm sàng: khát nước, uống nhiều nước, vừa uống nước vừa khát nước, số lần đi tiểu rất nhiều. Lưỡi đỏ, rêu lưỡi mỏng, ít nước bọt, mạch mạnh.
Món canh rau chân vịt ngân nhĩ: rễ rau chân vịt 10g, ngân nhĩ tức mộc nhĩ trắng 10g. Chế biến: rửa sạch rễ rau chân vịt, ngâm ngân nhĩ cho nở ra, cùng nấu canh uống. Công hiệu: bổ âm nhuận phổi, sản sinh nước bọt, giải khát. Mỗi ngày dùng 1 - 2 lần trong bữa ăn. Có thể dùng trong 3 - 4 tuần liền.
Canh trai nấu mướp đắng: mướp đắng 250g, thịt trai 100g. Chế biến: ngâm trai trong nước sạch hai ngày để cho nó nhả hết bùn đất, rửa sạch thịt trai cùng nấu với mướp đắng với lượng nước vừa phải, nấu chín cho thêm gia vị là có thể dùng. Công hiệu: thanh nhiệt giải độc, trừ buồn bực, giải khát. Dùng trong bữa cơm.
Các món ăn chữa trị bệnh ĐTĐ do can thận âm hư
Những biểu hiện trong lâm sàng: đi tiểu nhiều lần, lượng nước tiểu ít, nước tiểu màu trắng, đặc, miệng khô, môi khô, không muốn uống nước, cơ thể suy nhược, mỏi lưng, đuối sức; lưỡi đỏ, rêu lưỡi ít, mạch trầm, mạch thưa.
Bí đỏ xào thịt ếch: bí đỏ 250g, thịt ếch đồng 90g. Chế biến: bí đỏ gọt vỏ, thái miếng, tỏi giã nát. Đổ dầu vào chảo khi nhiệt độ dầu lên tới dầu sôi bắt đầu phi tỏi, sau đó đổ bí đỏ vào chảo xào đi xào lại, cho thêm thịt ếch và lượng nước vừa phải, hầm bằng lửa nhỏ trong nửa tiếng đồng hồ, cho thêm gia vị là có thể dùng. Công hiệu: ích khí dưỡng âm, giảm lượng đường giải khát. Dùng trong bữa cơm.
Canh ba ba bổ thận: ba ba 1 con khoảng 500g, kỷ tử 30g, thục địa hoàng 15g. Chế biến: chặt ba ba thành miếng, cho thêm các vị thuốc kỷ tử, địa hoàng, rượu gia vị và lượng nước vừa phải, dùng lửa to đun sôi, sau đó giảm lửa hầm thịt ba ba đến nhừ là có thể dùng. Công hiệu: bổ can bổ thận, dưỡng âm bổ huyết. Dùng trong bữa ăn hoặc ăn riêng đều được.
Biểu hiện trong lâm sàng ăn nhiều hay đói, người gầy, buồn bực, cơ thể nóng, ra mồ hôi, táo bón, khát nước, nước tiểu nhiều. Lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, ít nước bọt, mạch trơn, đập mạnh.
Món mì nấu với hoài sơn: bột mì 250g, bột hoài sơn 100g, bột đậu xanh 10g, trứng gà 1 quả. Dùng nước muối nhào bột mì, bột hoài sơn và bột đậu xanh với trứng gà cho đều thành một khối mềm vừa phải, rồi thái thành mì sợi, nấu chín là có thể dùng. Công hiệu: kiện tỳ bổ phổi, củng cố chức năng thận và bổ ích tinh huyết. Mỗi ngày dùng 1 - 2 lần trong 3 - 4 tuần liền.
Món chè bách hợp tì bà và củ sen: bách hợp tươi 30g, tì bà 30g, củ den tươi 10g, hoa quế 2g. Củ sen thái lát, tì bà bỏ hột, đổ nước vào cùng nấu với bách hợp tươi, nấu đến chín cho thêm bột đao thành dạng súp. Khi dùng cho thêm hoa quế là được. Công hiệu: thanh nhiệt nhuận phế, sản sinh nước bọt giải khát. Có thể dùng vào bữa sáng và bữa tối hoặc làm điểm tâm.
Nấu cháo với bột cát căn: bột cát căn 30g, gạo lứt 100g: gạo lứt với lượng nước vừa phải nấu bằng lửa to, rồi đổi thành lửa nhỏ nấu thêm nửa tiếng đồng hồ, sau đó đổ bột cát căn khuấy đều nấu với cháo cho đến nhừ là có thể dùng. Công hiệu: thanh nhiệt sản sinh nước bọt, loại trừ buồn bực giải khát. Dùng vào bữa sáng và bữa tối hàng ngày, có thể dùng trong 3 - 4 tuần liền.
Món ăn cho người đái tháo đường
Cháo hải sâm bổ thận ích tinh, trừ hư nhiệt.

BS.CKII. Huỳnh Tuấn Vũ

Nhâm nhi... hạt giúp bảo vệ tim, tăng cường trí tuệ

Thật không may, quá ít người ăn các loại hạt thường xuyên. Joy Bauer - nhà dinh dưỡng của Today Show cho rằng: “Đó có thể là vì mọi người sợ chất béo và calo trong các loại hạt, hoặc họ cho rằng các loại hạt thật nhàm chán”. Ông nhấn mạnh: “Chỉ cần một số nhỏ hạt ăn hàng ngày có thể đảm bảo lượng protein, chất xơ, chất béo không bão hòa, và các vitamin và khoáng chất quan trọng”.
Chúng tôi giới thiệu 2 loại hạt đã và đang được ưa chuộng không chỉ trong những ngày đầu xuân mà còn được dùng hầu như quanh năm.
Đây là nhân của hạt quả hạnh, có tên khoa học là Semen Armeniacae Amarum. Thuộc họ Hoa hồng (Rosaceae). Còn gọi là khổ hạnh nhân.
Theo Đông y, hạnh nhân có vị ngọt, hơi đắng, tính ôn. Vào kinh phế và đại trường.
Có tác dụng tả phế, giải biểu, hạ khí, nhuận táo, tiêu đờm. Trị ho suyễn, ngoại cảm, chữa họng tê đau, táo bón. Dầu hạnh nhân dùng làm thuốc bổ, thuốc nhuận tràng...
Hiện nay, hạnh nhân được ngành dược hiện đại chú ý và nghiên cứu khá nhiều, với những lợi điểm sau:
Hạnh nhân được coi là “nữ hoàng” trong số các loại hạt.
Theo thống kê, 1 ounce hạnh nhân sẽ cung cấp 1/4 lượng magiê cơ thể cần hàng ngày, 70% lượng vitamin E, 3,3 gram chất xơ. Ngoài ra, hạnh nhân có chứa chất béo không bão hòa đơn, là các chất béo tốt. Các chất này giúp máu lưu thông khắp cơ thể, giảm triệu chứng bệnh tim mạch, huyết áp, tăng sức đề kháng
Các tác dụng chủ yếu của hạt hạnh nhân:
Giúp cải thiện trí tuệ: hạnh nhân có chứa phenylalanine, một chất hỗ trợ rất tốt trong việc phát triển các chức năng nhận thức. Ăn một nắm hạt hạnh nhân mỗi ngày giúp cải thiện trí nhớ, tinh thần sảng khoái, giảm stress.
Tốt cho tim: trong hạt hạnh nhân có chứa chất béo đơn - bão hòa, protein và potassium, là những chất hỗ trợ rất tốt cho khả năng vận động của tim. Vitamin E trong hạnh nhân tác động như một chất chống oxy hóa, giúp giảm nguy cơ bị các bệnh tim. Hạnh nhân cũng còn là nguồn cung cấp axít folic và magnesium, và do đó giúp hạ thấp mức homocystein, một loại chỉ số nói lên mức độ đóng mảng trong mạch máu.
Giúp cân bằng và điểu hòa huyết áp: potassium chứa trong hạnh nhân giúp điều hòa huyết áp.
Cân bằng lượng cholesterol trong cơ thể: dùng hạnh nhân đều đặn hàng ngày sẽ giúp bạn tăng hàm lượng cholesterol tốt (HDL), giảm đáng kể hàm lượng cholesterol xấu (LDL) và do đó khiến chúng ta kiểm soát hữu hiệu mức cholesterol trong máu.
Giảm cân (thể trọng): tinh dầu hạnh nhân và các chất chứa trong hạt hạnh nhân làm cho bạn ăn có cảm giác chóng no nên giúp tránh ăn quá nhiều. Các nghiên cứu cho thấy, những người béo phì nên thường xuyên bổ sung hạt hạnh nhân vào khẩu phần ăn hàng ngày để kiểm soát hiệu quả trọng lượng cơ thể.
Một nghiên cứu về béo phì: khi hai nhóm người trưởng thành bị béo phì theo chế độ ăn ít calo trong 6 tháng, những người có ăn hạnh nhân trong việc giảm cân của họ bị mất trọng lượng hơn những người khác.
Hỗ trợ giảm lượng đường trong máu: những người ăn khoảng 20% calo từ hạnh nhân trong 4 tháng thấy giảm LDL (cholesterol xấu) và giảm insulin của họ so với một nhóm kiểm soát những người không ăn chúng.
Chống lão hóa: hạnh nhân giàu vitamin E, một chất chống oxy hóa mạnh mẽ.
Chống táo bón: hạnh nhân có chứa nhiều chất xơ nhất (3/30g) so với các loại hạt khác giúp chống táo bón hiệu quả.
Hỗ trợ phòng ngừa sỏi mật: nghiên cứu của các nhà khoa học trên động vật cho thấy hạt hạnh nhân có thể phòng ngừa sạn mật.
Hạt hạnh nhân tốt cho thai nhitrong hạnh nhân có chứa chất axít folic, một loại hợp chất giúp bà mẹ bổ sung dinh dưỡng cho thai nhi và giảm các khuyết tật bẩm sinh của em bé.
Giúp cải thiện da và tóc: ăn hạt hạnh nhân hàng ngày cũng có thể giúp cải thiện làn da. hỗ trợ ngăn ngừa mụn đầu đen, mụn nhọt, da khô, và thậm chí cả nếp nhăn sớm. Một liệu pháp massage mặt với dầu hạnh nhân có thể giúp làm da sáng bóng, căng mịn, mềm mại. Ngoài ra, vitamin E có trong hạnh nhân cũng có thể giúp đóng góp cho tóc sáng bóng, mượt mà. Dầu hạnh nhân thậm chí có thể giúp chữa trị gàu.
Phòng chống một số loại bệnh ung thư: nhờ nhiều chất xơ và chất dầu, ăn hạt hạnh nhân đều đặn hàng ngày có thể giúp phòng chống một số loại bệnh ung thư, điển hình là ung thư kết tràng.
Tác động đến hệ miễn dịch: một nghiên cứu trong ống nghiệm phát hiện ra rằng các loại hạt giúp tăng mức độ của các vi khuẩn có lợi thúc đẩy hệ thống miễn dịch của cơ thể.
Liều dùng hàng ngày: khoảng 23 hạt = 170 calo, 15g chất béo.
Hạnh nhân và hạt dẻ
Hạnh nhân và hạt dẻ
Hạt dẻ
Hạt dẻ (khi chín thường nó nứt ra để lộ hạt bên trong - giống như đang cười, vì vậy còn gọi là hạt cười), được coi là loại hạt giàu chất dinh dưỡng và cung cấp rất nhiều lợi ích cho sức khỏe con người. Có nguồn gốc từ Tây Á, nhưng ngày nay, hạt dẻ cười) đã phổ biến khắp thế giới. Rất nhiều lợi ích từ hạt dẻ mà chúng ta chưa biết đến.
Dưỡng chất: hạt cười rất giàu dưỡng chất, cung cấp hơn 30 vitamin, khoáng chất và dưỡng chất thực vật khác nhau, nhưng lại là một trong các loại hạt có ít calo nhất (3 - 4 calo/hạt). Về thành phần cơ bản, trong 30g hạt cười chứa: 50% chất béo, bao gồm 83% các axít béo không bão hòa và hoàn toàn không có chất béo trans; 3g chất xơ hòa tan (nhiều hơn bất cứ hạt có dầu nào), 23% protein, 13% carbohydrate, kali, đồng, magné, mangan, potassium và phosphor…
Hạt dẻ cười có thể bảo quản được trong vòng 6 tháng, trong hộp kín, nơi mát, khô và tránh ánh sáng. Với hạt đã rang chín với muối, có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh để tránh tình trạng chảy dầu (chất béo bị oxy hóa gây mùi hôi).
Tốt cho tim: hạt dẻ cười được chứng minh là có thể làm giảm LDL (cholesterol xấu) và tăng HDL (cholesterol tốt) nếu tiêu thụ thường xuyên trong một thời gian ngắn. Hàm lượng cao các chất chống oxy hóa như vitamin A và E trong hạt dẻ cười có thể giúp cơ thể chống lại chứng viêm, bảo vệ mạch máu và làm giảm nguy cơ bị bệnh tim.
Thậm chí, tiêu thụ một lượng hạt dẻ cười ở mức vừa phải cũng đã làm tăng nồng độ lutein - một chất chống oxy hóa nổi tiếng với hiệu quả bảo vệ cơ thể, chống oxy hóa do LDL và giảm bệnh tim.
Có lợi cho mắt: hạt dẻ cười chứa 2 loại carotenoid là lutein và zeaxanthin mà hầu hết các loại hạt khác không có. Hai carotenoid này có chức năng như chất chống oxy hóa, bảo vệ các tế bào khỏi tác hại của gốc tự do, giảm nguy cơ phát triển thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác mà thoái hóa điểm vàng lại là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến khiếm thị và mù lòa. Do đó, hạt dẻ cười được cho là rất có lợi cho mắt.
Tăng cường hệ thống miễn dịch: một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh đòi hỏi phải có đủ lượng vitamin B6. Thiếu vitamin B6 có thể làm chậm hoạt động của não cũng như làm giảm hiệu quả chống nhiễm trùng của hệ thống miễn dịch. Hạt dẻ cười rất giàu vitamin B6, do đó nó có sthể hỗ trợ hệ thống miễn dịch hoạt động tốt.
Vitamin B6 được tìm thấy trong hạt dẻ cười còn giúp cho các tế bào hồng cầu khỏe mạnh và duy trì sức khỏe của các tuyến bạch huyết, chẳng hạn như tuyến ức, lá lách và các hạch bạch huyết, đảm bảo sản xuất các tế bào máu trắng để bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng.
Hạt dẻ sở hữu gần 10 loại chất chống oxy hóa rất mạnh (như resveratrol, querticin và naringenin…). Ngoài ra, hạt dẻ cũng chứa một số lượng đáng kể lutein và zeaxanthin - 2 chất chống oxy hóa họ carotenoid, giúp giảm nguy cơ thoái hóa võng mạc do tuổi tác, hỗ trợ hệ miễn dịch...
Mạnh cơ bắp: hạt dẻ giàu chất chống oxy hóa gamma-tocopherol, một dạng của vitamin E; kali, một khoáng chất cần thiết cho một hệ thống thần kinh và cơ bắp khỏe mạnh.
Tốt cho da: hạt dẻ cười là một nguồn tuyệt vời của vitamin E - một chất chống oxy hóa hòa tan trong chất béo. Vitamin E còn được cho là cần thiết trong việc việc duy trì tính toàn vẹn của màng tế bào và giữ cho làn da khỏe mạnh. Vitamin E làm một công việc tuyệt vời bảo vệ da khỏi tác hại của tia cực tím, chống lại lão hóa sớm và ung thư da. Vì vậy, bạn nên ăn hạt dẻ cười nếu muốn có làn da khỏe đẹp.
Giảm nguy cơ ung thư phổi: với nguồn gamma-tocopherol lý tưởng, hạt dẻ có thể làm giảm nguy cơ ung thư phổi và một số loại ung thư khác - đó là kết luận trong báo cáo của tổ chức chuyên môn Hiệp hội Nghiên cứu Ung thư Mỹ (AACR). Hạt dẻ là loại hạt giảm béo, chúng cũng có thể giúp thở dễ dàng hơn: các nhà nghiên cứu Đại học Texas MD Anderson Cancer Center phát hiện ra rằng ăn khoảng 60g hạt dẻ hàng ngày có thể làm giảm nguy cơ ung thư phổi.
Các nghiên cứu lâm sàng và nghiên cứu dịch tễ học cũng đã cho thấy tocopherol-gamma có thể bảo vệ chống lại ung thư tuyến tiền liệt. Các nhà nghiên cứu cũng quan sát được sự gia tăng đáng kể của tocopherol-gamma trong huyết thanh những người có sử dụng hạt dẻ đều đặn (với lượng tối thiểu 30g/tuần trong 4 tuần liên tục). Hiệu quả này tiếp tục trong tuần thứ 5 và thứ 6 với tỉ lệ tocopherol-gamma cao hơn vào cuối thời kỳ nghiên cứu so với giá trị ban đầu.
Các nghiên cứu cũng khẳng định: hạt dẻ với những tính năng quý báu có thể được dùng như một loại thực phẩm kết hợp đưa vào chương trình chiến lược giảm nguy cơ ung thư phổi, mà không có thay đổi đáng kể trong chỉ số trọng lượng cơ thể người dùng.
Dùng hàng ngày: khoảng 50 hạt = 160 calo, 14g chất béo.
Tóm lại: việc lựa chọn hạt hạnh nhân và hạt dẻ cười để nhâm nhi hàng ngày là sự lựa chọn rất thiết thực và khoa học.

Lương y HOÀNG DUY TÂN

Quả ổi và lợi ích ít biết với bà bầu

Dân gian thường truyền tục nếu bà bầu ăn ổi khi em bé sinh ra sẽ bị trốc ghẻ. Nhưng những lợi ích dưới đây khiến chúng ta bất ngờ về tác dụng mà ổi mà ổi mang lại. Ổi là một loại quả bổ dưỡng, là nguồn cung cấp vitamin A, C cao, ngăn ngừa thiếu máu, ổn định đường huyết...
Giảm nguy cơ thiếu máu
Uống một ly nước ổi mỗi ngày giúp giảm tình trạng thiếu máu trong cơ thể do trong trái ổi có chứa những dưỡng chất thiết yếu giúp tăng nồng độhemoglobin trong máu.
Quả ổi và lợi ích ít biết với bà bầu
Giúp tăng khả năng miễn dịch
Trong quả ổi rất giàu axit ascorbic, vitamin C – giúp cải thiện hệ thống miễn dịch của bà bầu. Ngoài ra, những dưỡng chất này cũng giúp loại bỏ những bệnh thường gặp trong thai kỳ như đau răng, chảy máu răng, nướu, viêm loét… vì trong 1 quả ối có chứa khoảng 16mg vitamin C.
Trị chứng táo bón thai kỳ
Ổi rất giàu chất xơ giúp thông ruột, do đó sẽ giúp ngăn ngừa táo bón trong thời kỳ mang thai. Một quả ổi cỡ vừa có thể cung cấp 36% lượng chất xơ hàng ngày cho cơ thể.
Quả ổi và lợi ích ít biết với bà bầu
Trị bệnh tiêu chảy
Quả ổi có tác dụng điều trị tiêu chảy rất tốt vì trong quả ổi có chất làm se (hợp chất hóa học có xu hướng làm co rút các thành phần khác trong cơ thể). Ngoài ra, hợp chất kiềm trong quả ổi có khả năng phòng chống và ngăn ngừa các vi khuẩn phát triển trong quá trình bệnh lỵ. Thêm vào đó, quả ổi có các chất carotenoids, vitamin C và potassium hỗ trợ cho việc chữa lành các trường hợp viêm dạ dày.
Hỗ trợ sự phát triển thần kinh thai nhi
Không chỉ tốt cho mẹ bầu, ổi còn rất tốt cho thai nhi. Trong trái ối có chứa lượng axit folic và vitamin B9 – rất quan trọng cho sự phát triển hệ thần kinhcủa thai nhi.
Bổ sung canxi
Bà bầu nên bổ sung 1 quả ổi hoặc một ly nước ép ổi mỗi ngày, vì hàm lượng canxi trong quả ổi cao giúp bổ sung canxi cho sự phát triển của xương và răng thai nhi..
Quả ổi và lợi ích ít biết với bà bầu
Giữ huyết áp ổn định
Dưỡng chất trong quả ổi còn giúp kiểm soát huyết áp rất tốt cho bà bầu. Trong thai kỳ, việc duy trì huyết áp ổn định là rất cần thiết để tránh nguy cơ sảy thai hoặc sinh non.
Ngăn ngừa bệnh tiểu đường thai kỳ
Bà bầu ăn ổi giúp duy trì lượng đường trong máu ở mức bình thường và cân bằng, do đó giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ – đây là căn bệnh khá phổ biến trong cuộc sống hiện đại.
Quả ổi và lợi ích ít biết với bà bầu
Cải thiện hệ miễn dịch
Vitamin C, vitamin E, carotenoid, iso- flavanoids, polyphenol và axit ascorbic trong ổi là những dưỡng chất làm tăng hệ thống miễn dịch cho mẹ bầu, giúp mẹ tránh xa bệnh tật và các loại vi trùng xâm nhập. Đồng thời, chúng cũng giúp loại trừ những cơn đau răng, nướu, chảy máu răng, và các chứng viêm loét.
Quả ổi và lợi ích ít biết với bà bầu
Lưu ý: Mặc dù, ổi có nhiều lợi ích cho bà bầu, nhưng bà bầu cũng không nên ăn quá nhiều ổi trong quá trình mang thai, vì hạt ổi có thể khiến bà bầu khó tiêu và nguy cơ vướng vào ruột thừa.

Thu Anh

Món ăn thuốc từ rau cần tây

Cần tây là một loại rau gia vị được sử dụng phổ biến trong các món ăn hàng ngày, tuy nhiên, ít người biết những lợi ích cho sức khỏe của loại thực phẩm này. Cần tây chứa tinh dầu; đường saccarose, glucose, fructose; nước, protein;  chất béo; các vitamin A, B1, B2, PP, đặc biệt rất giàu vitamin C, chỉ cần ăn 30g lá mỗi ngày là đủ lượng vitamin C cần thiết cho cơ thể.
Rau cần tây - cây gia vị, cây thuốc chữa nhiều bệnh.
Rau cần tây - cây gia vị, cây thuốc chữa nhiều bệnh.
Theo Đông y, cần tây vị ngọt hơi đắng, tính lương, vào can phế vị.  Có tác dụng bình can thanh nhiệt, khu phong lợi thấp. Dùng cho các trường hợp đau đầu hoa mắt chóng mặt, tăng huyết áp, mỡ máu cao, đái tháo đường, tiểu đục do viêm sỏi đường tiết niệu... Hằng ngày dùng 50 - 100g dưới dạng nấu, xào, nước ép tươi.
Cháo cần tây:
- Cần tây 200g, mơ hoặc mận ngọt 20g, gạo tẻ 60g. Cả ba thứ nấu cháo, khi chín thêm đường phèn khuấy đều, chia ăn ngày 2 lần, liên tục 7 - 14 ngày. Dùng cho các trường hợp ù tai điếc tai, giảm thính lực ở người cao tuổi hoặc do nhiễm độc thuốc, hóa chất.
- Rau cần tây tươi 60g, gạo tẻ 50 - 100g, nấu cháo, chia ăn 2 lần hằng ngày. Dùng cho bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường. Có thể xào cần tây với thịt bò; ăn đến khi thấy hạ huyết áp thì thôi, không ăn kéo dài.
Chè cần tây bì sứa: rau cần tươi 100g, bì sứa 50g, rửa sạch thái lát, cho nước, nấu trong 20 phút, thêm 30g đường phèn khuấy đều, chia 2 lần ăn trong ngày. Dùng cho trường hợp viêm tuyến nước bọt.
Nước ép ngó sen rau cần tây: nước ép cần tây 50ml, nước ép ngó sen tươi 50ml, nước ép củ cải trắng 30ml, siro ô mai 5 giọt. Các loại nước ép trộn đều; uống với nước lọc hoặc nước sôi. Mỗi ngày 1 lần. Dùng trong kỳ kinh hàng tháng trong 5 ngày liền, chữa kinh nguyệt quá nhiều và dài ngày.
Nước ép cần tây 50ml, nước ép cà rốt 50ml, nước ép cà chua 50ml. Trộn đều, uống 1 lần trong ngày. Thuốc bổ dưỡng, kích thích thần kinh, làm cơ thể nhẹ nhõm và thân hình sẽ thon thả hơn.
Kiêng kỵ: Không dùng cho người tỳ vị hư hàn.           

Lương y Thảo Nguyên

Thốt nốt giải nhiệt, lợi tiểu

Theo y học cổ truyền, thốt nốt có vị ngọt, tính bình. Có tác dụng lợi tiểu, tiêu viêm, kiện tỳ, giải nhiệt, dịch nhựa thốt nốt lên men có tác dụng bổ dưỡng. Trong dân gian, cuống cụm hoa thốt nốt được nhân dân làm thuốc lợi tiểu, giải nhiệt trong xơ gan, lách to.
Thốt nốt giải nhiệt, lợi tiểu
Cây, quả thốt nốt.
Cây thốt nốt được trồng phổ biến ở miền Nam, nhiều nhất ở các tỉnh An Giang, Tây Ninh, Đồng Tháp, Kiên Giang. Đây là loại cây được nhân dân miền Nam rất ưa chuộng vì giá trị dinh dưỡng cao như vitamin C, B1, B2, B3, canxi, sắt, phosphor và potassium. Cây non được dùng như một loại rau, trái thì ăn sống hay nấu chín, nước có vị thơm ngon và dịu mát được uống tươi giải khát. Do đó thốt nốt được trồng chủ yếu làm nguyên liệu chế biến đường và rượu, một số bộ phận được dùng làm thuốc như: cuống cụm hoa, cây non, rễ và đường thốt nốt (được chế biến từ dịch chảy của cụm hoa).
Thốt nốt là cây thân cột, chia thành từng khoanh, cao tới 30m, trên ngọn có một tán lá xoè rộng. Lá có cuống dài, mặt lá màu xanh thẫm, bóng mỡ, bóng xoè ra như cái quạt, mũi lá nhọn. Cụm hoa là những bông mo, đực, cái khác gốc, hoa nở rộ về mùa xuân. Quả thốt nốt to, tròn như quả dừa, ruột bên trong có một thứ cùi trắng như cùi dừa nước, vị bùi, béo, giòn, có hương vị thơm ngon. Quả thốt nốt non ăn mát như thạch. Quả già có màu vàng, thơm như mùi mít chín, nếu giã ra sẽ được một thứ bột trắng như bột gạo nếp, đem làm bánh tôm, bánh ú, hoặc nấu chè rất ngon.
Thốt nốt giải nhiệt, lợi tiểu
Đường thốt nốt.
Một số đơn thuốc sử dụng thốt nốt
Bài 1: Nhuận tràng: Sáng sớm cắt cụm hoa lấy nước chảy ra từ cụm hoa uống, có tác dụng giái khát, nhuận tràng, phòng tránh táo bón.
Bài 2: Chữa đau họng do viêm họng, phòng bệnh viêm họng: Dùng đường thốt nốt mỗi ngày dùng một miếng nhỏ nhai ngậm và nuốt, sẽ làm dịu họng, sát khuẩn và giữ cho họng, cuống phổi không bị khô rát.
Bài 3: Tác dụng lợi tiểu:
- Rễ cây thốt nốt 50g, thái khúc, cho vào ấm đổ 3 bát con nước sắc nhỏ lửa còn 1 bát nước, uống ngày một lần. Dùng liền 1 tuần.
- Dùng cây thốt nốt non, thái khúc, cho vào ấm đổ 3 bát con nước sắc nhỏ lửa còn 1 bát nước, uống ngày một lần. Dùng liền 1 tuần.
- Dùng cuống cụm hoa (vòi hoa) 100g, thái thành từng miếng mỏng, sắc với 600ml nước trong 15 phút, chia làm nhiều lần uống trong ngày, dùng liền 1 tuần.
Bài 4: Trị giun đũa: Lấy cuống cụm hoa thốt nốt nướng nóng, vắt lất nước, thêm ít đường, uống vào buổi sáng, mỗi lần khoảng 100ml, uống trong vài ngày vào buổi sáng có thể ra giun.

Bác sĩ Trần Thị Hải