Chủ Nhật, 29 tháng 6, 2014

Rau má


Rau má còn có tên là tích tuyết thảo, có thân nhẵn, mọc bò lan trên mặt đất, có rễ ở các mấu. Lá có cuống dài mọc ra từ gốc hoặc từ các mấu. Lá hơi tròn, có mép khía tai bèo. Phiến lá có gân dạng lưới hình chân vịt. Hoa mọc ở kẽ lá. Cánh hoa màu đỏ hoặc tía. Rau má mọc hoang khắp nơi và được trồng làm rau ăn. Đây là loại rau thông dụng nhân dân ta thường dùng chế biến nhiều cách khác nhau để làm món ăn mát bổ; ép nước hoặc chế biến thành trà giải khát có tác dụng thanh nhiệt lương huyết, giải độc dùng rất tốt trong mùa hè.
Theo y học cổ truyền, rau má có vị đắng, hơi ngọt, tính bình, có tác dụng dưỡng âm, thanh nhiệt, nhuận gan, giải độc, lợi tiểu. Rau má thường dùng để làm thuốc bổ dưỡng, sát trùng, chữa thổ huyết, tả lỵ, khí hư, bạch đới, mụn nhọt, rôm sẩy. Theo nghiên cứu, dịch chiết rau má có khả năng kích hoạt các tiến trình sinh học trong việc phân chia tế bào và tái tạo mô liên kết giúp vết thương chóng lành và mau lên da non, do đó được dùng để điều trị bỏng, vết thương, vẩy nến...
Nước giải khát trong mùa hè:
- Nước ép rau má: Lá rau má mua về ngâm rửa thật sạch, giã hoặc xay nát. Cho thêm một ít nước vào. Vắt và lọc bỏ xác. Thêm vào một ít đường cho dễ uống. Mỗi người, mỗi ngày có thể dùng từ 30 đến 40g rau má tươi.
- Trà giải nhiệt: Rau má 200g, nhân trần 100g, lá đinh lăng 200g, cam thảo 100g. Các dược liệu đều ở dạng khô. Cách dùng: các vị thuốc sao giòn tán vụn trộn đều, bảo quản trong bình kín tránh ẩm. Ngày dùng 30 - 40g. Hãm với nước sôi, sau 10 phút có thể dùng được. Uống thay trà trong ngày có công dụng thanh nhiệt, nhuận gan, chống khát.
Thuốc hạ huyết áp: Rau má 16g, rễ kiến cò 12g, lá tre l2g, rễ nhàu 16g, rễ tranh 12g, rễ cỏ xước 12g, lá dâu 12g. Sắc uống thay trà hàng ngày.
Chữa rôm sẩy, mẩn ngứa: Dùng 50g rau má rửa sạch giã vắt lấy nước, thêm ít đường hoặc một ít muối cho dễ uống.
Đái rắt, đái buốt: Rau má 40g, nõn tre 40g để tươi, giã nát với vài hạt muối, gạn lấy nước uống.
Hạ sốt: Lấy 30g rau má tươi, rửa sạch, giã nát, thêm nước sôi để nguội, vắt lấy nước, rồi hoà 10g bột sắn dây, thêm đường uống.
Chữa ho, viêm họng: Rau má rửa sạch, giã vắt lấy nước cốt đặc, hoà thêm với đường cho dễ uống. Trẻ em ngày hai lần, mỗi lần ½ bát ăn cơm; người lớn uống ngày hai lần, mỗi lần một bát ăn cơm. Uống liên tục 5 đến 7 ngày.
Chữa mụn nhọt: Rau má và lá gấc mỗi thứ 50g rửa thật sạch, giã nhỏ, cho ít muối vào trộn đều, đắp lên chỗ đau rồi băng lại, ngày thay thuốc 2 lần, đắp cho đến khi khỏi.
BS. Thu Vân

Bài thuốc từ các loại đậu


 Đậu đỏ.
Có rất nhiều các loại đậu, đậu đen, đậu xanh, đậu đỏ,... ngoài công dụng được sử dụng chế biến thành các món ăn ra, còn được sử dụng thành một số bài thuốc để chữa bệnh:
Đậu đen: Theo y học cổ truyền, đậu đen có vị ngọt, tính lạnh, có công dụng hạ nhiệt, giải độc, bổ thận, chữa đầy bụng, tiểu ra máu, đau đầu, đau cổ, nóng sốt, đau lưng... Những người bị yếu thận, suy nhược cơ thể khi bị cảm nặng nên ăn nhiều đậu đen. Nấu cháo đậu đen giúp lợi tiểu, giải nhiệt và thích hợp với mọi lứa tuổi. Cách chế biến: Đậu đen ngâm nước khoảng 2 tiếng, cho thêm một ít gạo vào nấu nhừ thành cháo, ăn nóng hay nguội tùy thích
Đậu xanh: Đậu xanh có vị ngọt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, điều hoà ngũ tạng và trị được các bệnh thường gặp trong mùa hè như: mụn trứng cá, ung nhọt. Ngoài được dùng để nấu xôi, làm bánh ngọt, bánh mặn, nấu chè, làm giá ăn và còn được chế biến làm đẹp. Cách làm mặt nạ đậu xanh trị mụn như sau: Lấy 50g bột đậu xanh, 50g bột thanh đại và 5g băng phiến cho vào nước ấm trộn thành hồ. Mỗi tối trước khi đi ngủ, đắp dung dịch này lên mặt để có làn da đẹp, không bị sậm màu hay nổi mụn trứng cá.
Đậu đỏ: Đậu đỏ cũng là một loại ngũ cốc rất có lợi với sức khỏe của con người. Những món ăn có thể được chế biến từ đậu đỏ là: cơm đậu đỏ, xôi đậu đỏ, cháo đậu đỏ, chè đậu đỏ, bánh đậu đỏ... Nhiều nghiên cứu cho thấy, loại hạt này có công dụng như một vị thuốc an toàn, giúp giải nhiệt, tiêu độc công hiệu. Chè đậu đỏ nước cốt dừa cũng là một món giải khát ngon, mát và bổ dưỡng trong những ngày hè nắng, nóng.
Đậu ván trắng: có vị ngọt, tính mát, tác động vào các kinh tỳ, vị. Tác dụng của đậu ván trắng là làm thuốc bổ tỳ, vị, chữa các bệnh cảm nắng, khát nước, tiêu chảy, kiết lỵ ra máu, tiểu tiện đỏ, các chứng đau bụng, nôn ọe, và giải được độc rượu.
Một số bài thuốc dễ làm từ đậu:
- Chữa chứng trúng gió, đau đầu, đau lưng: Đậu đen 800g, độc hoạt 20g. Ngâm đậu đen vào 5 bát rượu, sau đó sắc nhỏ lửa, lọc bỏ bã lấy 80ml.. Uống ấm, chia 2 lần trong ngày.
- Dùng trị say nắng, nôn mửa: Đậu ván trắng 16g, hoắc hương 8g, sắc với 800ml nước, lọc bỏ bã lấy 100ml. Chia đều làm 3 lần uống trong ngày.
- Dùng trị chứng chân sưng to và căng nhức, đi lại khó khăn:  Đậu đỏ 24g, cá chép 1 con khoảng 400-400g, hầm nhừ trong nước. Dùng cả nước lẫn cái, mỗi ngày 1 lần.
- Dùng bôi ngoài chữa ung nhọt hoặc mụn đậu: Đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen bằng nhau, tán nhỏ, trộn với giấm, khuấy đều bôi vào vết thương.          
Bác sĩ  Trần Văn Thuấn

Quất hồng bì chữa bệnh


 Quất hồng bì.
Quất hồng bì còn gọi là hoàng bì, quất bì. Đây là loại cây thân gỗ, cao khoảng 3 - 5 m, thường mọc hoang hoặc được trồng. Quả (được bổ dọc, phơi khô gọi là quất bì hay hồng bì); hạt của quả chín phơi khô, lá, vỏ rễ phơi khô. Dân gian dùng toàn cây quất hồng bì làm thuốc. Theo Đông y, lá quất hồng bì vị cay, đắng, tính bình, có tác dụng giải thử (cảm nắng), cảm cúm, hạ sốt, long đờm và giảm ho. Quả vị chua, tính bình, hơi ấm, có tác dụng giảm ho, long đờm, kích thích tiêu hóa và cầm nôn mửa. Vỏ thân cây hồng bì kết hợp vài vị thuốc khác dùng cho phụ nữ sau sinh.
Đơn thuốc sử dụng quất hồng bì:
Giải cảm, hạ sốt: Lá quất hồng bì tươi 30g, rửa sạch, phơi khô, sắc uống cho ra mồ hôi.
Chữa ho cho trẻ: Quả hồng bì tươi, hấp với đường, cho trẻ ăn ngày 3 lần sáng, trưa, tối. Đặc biệt, quất hồng bì còn chữa bệnh ho gà rất tốt: Quả hồng bì phơi khô, bỏ hạt 50g, vỏ rễ dâu (tang bạch bì) 50g, củ sả 50g, củ bách bộ 50g, ô mai 50g, cát cánh 50g, hạnh nhân 50g, kinh giới 50g, cam thảo 50g, bạc hà 50g. Tất cả sắc với nhiều lần nước. Lấy nước đặc, thêm đường nấu thành si rô. Mỗi lần uống 1 - 5 thìa tùy theo lứa tuổi và tình trạng bệnh nặng hay nhẹ.
Kích thích tiêu hóa và phòng bệnh cho phụ nữ sau đẻ: Lấy vỏ thân hoặc rễ quất hồng bì 30g, rễ sử quân 20g, quả khế chua 20g. Các vị sao vàng, sắc đặc, chia uống nhiều lần trong ngày. Có thể dùng trong nhiều ngày.
Chữa nấc: Dùng 15-20 quả quất hồng bì chín, dầm nát kết hợp với 1 thìa cà phê đường hoặc mật ong, hấp cách thủy, khi quả hồng chín, dầm nát pha nước uống.
Cầm nôn mửa: Quả hồng bì tươi nhai cả vỏ, nuốt nước dần dần.
Bác sĩ Nguyễn Huy

Vỏ quýt và vị thuốc trần bì, thanh bì


 Vỏ quýt chín cho vị thuốc trần bì.
Cây quýt có tên khoa học là Citrus deliosa Tenero thuộc họ Cam (Rutaceae). Nhiều bộ phận của cây quýt đều là vị thuốc. Trong đó phải kể đến 2 vị thuốc từ vỏ quả quýt:
- Trần bì: là vỏ quýt chín đã phơi, sấy khô (để càng lâu năm càng tốt).
- Thanh bì: là vỏ quả quýt còn xanh đã phơi sấy khô.
Trong đó trần bì là vị thuốc thường được dùng nhất, đặc biệt là đối với nam giới nên có câu:
"Nam bất ngoại trần bì
Nữ bất ly hương phụ".
Trần bì: Trần bì vị cay, đắng, tính ôn, thường dùng kèm thuốc điều khí có tác dụng táo thấp trừ hoá đờm. Thường dùng trong các trường hợp sau:
Tiêu trướng trừ nôn:
Do phế vị khí trướng mà gây tức ngực, vùng ngực trướng mãn, cồn ruột, nôn oẹ... có thể dùng trần bì với chỉ xác, bán hạ, tô ngạnh (cành tía tô), tô tử... Trần bì có tác dụng trừ vị nhiệt (tưa lưỡi vàng, hay ăn đồ lạnh, mạch sác) có thể thêm hoàng cầm, xuyên đông tử; còn có tác dụng với vị hàn (tưa lưỡi trắng, thích chườm ấm, mạch trì) thêm ô dược, lương khương, có tác dụng với trung tiêu thấp nhiệt (tưa lưỡi trắng dày mà nề, không hay uống nước, mạch tượng hoạt) có thể thêm phục linh, thương truật...
Trừ đờm, trừ ho: Với trung tiêu thấp nhiệt đờm thương phạm hoặc ngoại cảm phong hàn, dẫn tới phế khí bất lợi mà sinh ho, nhiều đờm, ngực tức, không muốn ăn, lưỡi tưa trắng nề, mạch hoạt thường dùng trần bì với bán hạ, phục linh, tô tử, hạnh nhân, hạt cải sao, kim phật thảo (toàn phúc hoa thời trước gọi là kim phật thảo, gần đây hoa của nó gọi là toàn phúc hoa, toàn cây gọi là kim phật thảo), tiền hồ... ngoại cảm chứng rõ rệt có thể thêm kinh giới, cát cánh, ma hoàng.
Điều khí khai vị: Với trung tiêu khí trệ, ăn uống không ngon, phối hợp với mạch nha, cốc nha, khấu y, thần khúc, sơn tra... có tác dụng thúc đẩy ăn uống.
Khi dùng đảng sâm, hoàng kỳ, bạch truật, sơn dược, thục địa, sinh địa... để làm thuốc bổ, nếu phối hợp với một ít trần bì thì tránh xảy ra tức ngực, trung mãn, ăn uống không ngon và các tác dụng phụ khác... nó còn phát huy đầy đủ tác dụng bổ của thuốc.
Trong Bản thảo bị yếu có ghi trần bì "tân năng tán, khổ năng táo năng tả, ôn năng bổ năng hoà" nghĩa là dùng với thuốc bổ thì bổ, dùng với thuốc tả thì tả, dùng với thuốc thăng thì thăng, với thuốc giáng thì giáng. Vì thế nó là thứ thuốc trị phế khí phần, điều trung khoái cách, đạo trệ tiêu đờm, lợi thủy phá ứ, tuyên thông ngũ tạng đủ để ta thấy tác dụng của trần bì.
Vỏ quýt gọt sạch màng trắng bên trong thì gọi là quýt hồng. Quýt hồng, trần bì đều có tác dụng hoá đờm, nhưng quýt hồng hiệu quả hoá (long) đờm mạnh nhất. Với đờm nhiều, đờm quánh, đờm trắng dính thì thích hợp nhất. Quýt hồng thiên về thanh nhập phế, thích hợp để chữa ho, ngoại cảm, nhiều đờm, ngực tức còn trần bì có thể có tác dụng điều khí tiêu trướng khai vị. Vì vậy quýt hồng mạnh hơn trần bì.
Xơ quýt có tác dụng hoá đờm thông lạc, thường dùng chữa ho, ngực sườn trướng tức và ngón tay tê dại... Hạt quýt có thể tán kết thông thường dùng trị trướng khí thống. Lá quýt có thể thư can giải uất thường dùng trị ngực sườn trướng tức và ngón tay tê bại...
Thanh bì thiên về nhập can đởm, phá khí tán trệ còn có thể trị thoát vị, trần bì thiên về nhập tỳ phế điều khí hòa vị và còn hoá đờm.
Thanh bì: Thanh bì vị ngọt, cay, tính ấm có tác dụng phá khí tiêu trệ, thư uất giáng nghịch và có thể dùng trị thoát vị đau nhức.
Dùng vào can khí uất kết mà ngực sườn trướng tức, khí nghịch ăn uống khó vào, sườn ngực trướng mạn, hay cáu gắt, khí trệ vị thống... dùng thanh bì phá khí kết, thư can uất thường phối hợp với chỉ xác, cành tía tô, hương phụ, tân lang, hậu phác, trần bì.
Thanh bì có thể phá khí bình can, dẫn mọi thứ thuốc tới can kinh. Phối hợp với ô dược, xuyên đông tử, ngô thù du, tiểu hồi hương, hạt quýt... có thể chữa trướng thống. Bài thuốc Thiên đài ô dược tán gồm ô dược, xuyên đông tử, mộc hương, tiểu hồi hương, cao lương khương, thanh bì, tân lang trong đó dùng thanh bì để phá khí bình can. Đây là bài thuốc chữa lao tinh hoàn, viêm tinh hoàn mạn, viêm tuyến tiền liệt. Nếu thấy hoạt tinh kèm theo đau vùng bụng dưới, thích ấm sợ lạnh thì dùng xuyên đông tử sao 9 - 12g, hạt quýt sao 9g, thanh bì 6 - 9g, tiểu hồi hương sao 6 - 9g, ô dược 9g, ngô thù du 3 - 6g, hạt lệ chi 9g, bạch thược 12 - 15g, nhục quế 0,9 - 3g, tùy chứng gia giảm.
Chú ý: Những người khí hư dùng cần thận trọng, không khí trệ mà nhiều mồ hôi không dùng được, không được dùng quá lượng, dùng dài ngày tránh thương phạt chính khí.
Lương y Vũ Quốc Trung

Ngó sen - Thuốc chỉ huyết


 Sen.
Ngẫu tiết (còn có tên gọi là ngó sen) là thân rễ đốt (phần trong bùn) đã được phơi hay sấy khô của cây sen. Ngẫu tiết là vị thuốc được ghi đầu tiên trong sách Dược tính bản thảo.
Theo Đông y, ngẫu tiết có vị ngọt sáp, tính bình, quy vào các kinh can, phế và vị.
Y học hiện đại cũng đã phân tích thành phần trong ngẫu tiết thấy chứa chủ yếu là asparagin 2% acginin, trigonilin, tyrosin, esther phosphoric, glucoza, vitamin C, trigonelin và tannin...
Về dược lý, Đông y thấy ngẫu tiết thu liễm chỉ huyết, chủ trị các chứng thổ huyết, ho ra máu, niệu huyết, tiện huyết. Các y thư cổ có ghi "giải nhiệt độc, tiêu ứ huyết" (sách Nhật hoa tử bản thảo), huyết lâm, huyết lỵ, huyết băng (theo Bản thảo cương mục). Sách Bản thảo hội ngôn ghi: Ngẫu tiết là thuốc tiêu ứ huyết, chỉ huyết lộng hành. Thời Chân phương: Trị khái huyết, ẩu huyết, thổ huyết, tiện huyết, niệu huyết, lâm huyết, huyết băng. Cho vào tứ sinh ẩm gồm lá sen, trắc bá, ngải diệp, sinh địa các vị đều tươi và lượng như nhau, nấu lấy nước uống rất tốt. Sách Bản thảo cương mục thập di nói: Bột ngẫu tiết khai cách, bổ thận, hòa huyết mạch, tán ứ huyết, sinh tân huyết, người sản hậu và thổ huyết ăn rất tốt. Còn sách Bản thảo tái tân cũng nói: Lương huyết, dưỡng huyết, lợi thủy thông kinh.
Liều dùng trung bình từ 10-15g mỗi ngày, có thể sử dụng tới 30-60g/ngày trong các trường hợp giã lấy nước uống hoặc làm cao đơn hoàn tán. Thuốc dùng tươi tính bình, mát, tác dụng chỉ huyết tán ứ mạnh trong trường hợp xuất huyết do nhiệt. Ngẫu tiết sao than tính bình, hơi ôn, tác dụng thu liễm, chỉ huyết tốt, được sử dụng trị chứng xuất huyết mạn, cơ thể hư hàn.
Dược lý hiện đại cũng cho thấy rút ngắn thời gian chảy máu trên thực nghiệm. Sau khi ngẫu tiết đốt thành than làm cho lượng tannin và canxi trong thuốc tăng cao nên tác dụng cầm máu mạnh hơn.
Để tham khảo và áp dụng khi cần thiết, dưới đây xin giới thiệu những phương thuốc tiêu biểu trị bệnh từ ngẫu tiết.
Trị thổ huyết: Ngẫu tiết 20g, cuống sen 12g, sắc uống ngày 1 thang chia 2-3 lần trong ngày. Hoặc lấy ngẫu tiết giã nát vắt lấy nước cốt uống, cũng có thể hòa vào chút rượu rồi uống cũng tốt.
Trị lao phổi, ho ra máu, nôn ra máu: Ngẫu tiết 20g, hạn liên thảo 20g, bạch cập 16g, trắc bá diệp 16g, phơi hay sấy khô tán bột làm hoàn, mỗi lần uống 6-8g, ngày uống 3 lần.
Trị chảy nước mũi: Lấy ngẫu tiết tươi giã lấy nước nhỏ mũi.
Trị trĩ ra máu lâu ngày không khỏi: Ngẫu tiết 9g, bạch quả 15g, sắc uống ngày 1 thang chia 2-3 lần.
Trị tụ huyết nhãn tiền phòng: Ngẫu tiết 40g sắc uống ngày 2 thang, chia nhiều lần uống trong ngày, kết quả tốt.
BS. Hoàng Xuân Đại

Rau muống - Thuốc thanh nhiệt, lương huyết


 Rau muống.
Mùa hè có nhiều loại rau khác nhau, nhưng rau muống vẫn là loại rau dân dã, dễ chế biến lại dễ ăn và có thể thu hái quanh năm nhưng vào dịp hè là thuận lợi hơn cả. Ngoài tên gọi là rau muống còn nhiều tên gọi khác như vô tâm thái hay ung thái hoặc uông thái, thông thái, không tâm thái...
Rau muống có tên khoa học là Ipomoea aquatica Forsk, thuộc họ khoai lang, có tài liệu gọi là họ bìm bìm (Convolvulaceae).
Người ta đã phân tích thành phần dinh dưỡng có trong 100g rau muống thấy nước chiếm 78,2g, protein 2,7g, canxi 85mg, phospho 31,5mg, sắt 1,2mg, vitamin C 20g, vitamin B2, caroten, acid nicotic, nicotic, đặc biệt trong giống rau muống đỏ chứa một chất giống như insulin nên đối với người mắc bệnh đái tháo đường ăn thường xuyên rau muống đỏ là rất tốt, có thể cải thiện bệnh chứng...
Để tham khảo, đồng thời có thể chọn lựa áp dụng sao cho thích hợp, an toàn, hiệu quả, dưới đây xin giới thiệu những phương thuốc tiêu biểu từ rau muống.
- Trị trẻ nóng nhiệt ra mồ hôi mùa hè: Lấy rau muống 100g, mã thầy 500g, sắc lấy nước cho trẻ uống thay nước trong ngày.
- Thanh nhiệt lương huyết, cầm máu, chữa tâm phiền, chảy máu mũi, lưỡi đỏ rêu vàng, khát nước mát, ù tai chóng mặt: Rau muống 150g, cúc hoa 12g, đun sôi 20 phút lọc lấy nước (có thể cho chút đường hòa vào cùng uống trong ngày).
- Chữa kiết lỵ mùa hè: Lấy 400g cọng rau muống tươi, vỏ quýt khô lâu năm một ít, nấu nhỏ lửa trong nhiều giờ, lấy nước uống trong ngày.
- Ngộ độc thức ăn: Lấy rau muống một nắm giã vắt lấy nước cốt uống, nếu nặng mất nước, nhiễm độc phải đi viện cấp cứu ngay.
- Trị đau dạ dày, nóng ruột, ợ chua, miệng khô đắng: Rau muống 20g, rau má 20g, rau sam 16g, cỏ mực 20g, vỏ quýt 12g, tất cả sao qua cho vào ấm đổ 500ml nước, sắc nhỏ lửa còn 250ml, chia 2 lần uống lúc đói.
- Trị tiểu đường: Rau muống đỏ 60g, râu ngô 30g, sắc lấy nước uống trong ngày, cần uống một thời gian dài.
- Chữa đẹn trong miệng hoặc lở loét miệng trẻ em: Rau muống tươi 100g, củ hành lá tươi 50g, nấu canh lấy nước cho trẻ uống.
- Lở ngứa ngoài da, zona: Lấy ngọn rau muống, lá vòi voi mỗi thứ một nắm giã nhuyễn với ít muối đắp lên vết thương.
- Rôm sảy, mẩn ngứa, thủy đậu: Rau muống tươi một nắm to, rửa sạch nấu lấy nước xoa, rửa, tắm.
- Trị quai bị: Lấy rau muống 200-400g, luộc ăn cả cái lẫn nước, có thể pha chút đường vào nước mà uống.
- Đau đầu, chảy mủ tai: Rau muống 100g, thịt chó 100g, cho cả vào hầm đến khi thấy thịt chó nhừ là được. Ăn thịt chó, rau muống, uống nước rau. Cần ăn liền vài ngày.
- Trị bốc hỏa đau răng: Rễ rau muống 100g, giấm, nước mỗi thứ một nửa, sắc lấy nước ngậm ngày vài lần.
- Đại, tiểu tiện ra máu: Lấy rau muống lượng vừa đủ, rửa sạch, vò nát vắt lấy nước cốt cho mật ong vào uống. Ngày 1-2 lần.
- Trị đi ngoài ra máu, đái ra máu, nước tiểu đục: Rau muống tươi giã nát vắt lấy nước cốt cho mật ong vào uống, mỗi lần 30-50ml.
- Trị chứng chảy máu mũi: Rau muống tươi 100g, đường đỏ vừa đủ, sau nghiền nát cho nước sôi vào mà uống.
- Dạ dày, ruột thấp nhiệt (đi ngoài phân cứng rắn): Hằng ngày lấy rau muống xào hay nấu canh ăn.
- Trị chứng lòi dom, trĩ: Lấy 100g rau muống nấu nhừ gạn lấy nước, cho 120g đường trắng, nấu lên thấy sánh như kẹo mạch nha lấy uống, ngày 2 lần, mỗi lần 100g.
- Trị mụn nhọt mưng mủ: Lấy rau muống tươi rửa sạch, lượng vừa đủ, giã nhuyễn, trộn với mật ong vừa phải, rồi đắp vào mụn nhọt.
- Trị say sắn: Lấy một nắm rau muống giã nát vắt lấy nước cốt cho uống một bát chừng 100-150ml nếu nặng phải đi viện cấp cứu.
 
      Y học hiện đại đã chứng minh rằng rau muống cung cấp nhiều chất xơ, vitamin C, vitamin A..., những người cao tuổi ăn rau ngày 2 bữa có não trẻ hơn 5 năm và ít bị suy giảm tinh thần hơn 40% so với những người ăn ít rau mỗi ngày hoặc không ăn rau.
       Đông y cho rằng rau muống có vị ngọt, tính hơi lạnh (khi nấu chín thì lạnh giảm) đi vào các kinh tâm, can, tiểu trường, đại trường. Có công năng thanh nhiệt, lương huyết, chỉ huyết, thông đại tiểu tiện, lợi thủy, giải độc khi cơ thể bị xâm nhập các chất độc của nấm độc, cá, thịt độc, lá ngón, khuẩn độc, hoặc độc chất do côn trùng, rắn, rết cắn... Rau muống có nhiều tính năng và tác dụng trong việc phòng, chữa nhiều chứng bệnh mà tiêu biểu là thanh nhiệt, giải độc trong mùa hè, thanh nhiệt, lương huyết, cầm máu, chữa tâm phiền, chảy máu mũi, lưỡi đỏ rêu vàng, khát nước, ù tai, chóng mặt, đau đầu do tăng huyết áp, đau dạ dày, nóng ruột, ợ chua, miệng khô đắng, say hay ngộ độc sắn, giải độc do ngộ độc thức ăn, các chứng chảy máu (chảy máu cam, ho nôn ra máu, tiểu tiện đục hay ra máu, trĩ, lỵ...), sản phụ khó sinh, khí hư, bạch đới, phù thũng toàn thân do thận, bí đái, tiểu đường, quai bị, chứng đẹn trong miệng ở trẻ, lở ngứa, loét da, zona (giời leo), rôm sảy, sởi, thủy đậu ở trẻ em, ong đốt, rắn giun cắn...
BS. Hoàng Xuân Đại

Dược thiện chữa huyết áp thấp mạn tính


 Canh gà hầm nhân sâm.
Người bị huyết áp thấp khi huyết áp tối đa dưới 100mmHg, huyết áp tối thiểu dưới 60mmHg (ví dụ: 90/50mmHg). Huyết áp tăng giảm trong 1 ngày như sau: 4 giờ sáng huyết áp ở mức thấp, 6 giờ tăng, 9 giờ bình thường, 19 giờ lại tăng. Nên đo huyết áp vào buổi sáng, trước khi dậy khỏi giường.
Có 2 loại huyết áp thấp:
Huyết áp thấp tiên phát: Người khỏe bình thường không có triệu chứng gì, tình cờ đo thấy huyết áp thấp. Không cần điều trị, vẫn sinh hoạt bình thường.
Huyết áp thấp hậu phát (hạ huyết áp triệu chứng): Thường xuất hiện sau khi cơ thể suy nhược kéo dài như nhiễm khuẩn, nhiễm độc nặng, bệnh lao, ung thư, thiếu máu mạn tính, xơ gan, sau phẫu thuật... Người bệnh cảm thấy mệt mỏi, hay ngất, ngón tay ngón chân lạnh.
Theo y học cổ truyền, chứng huyết áp thấp, bất kỳ do nguyên nhân nào cũng đều thuộc chứng hư, có 2 bài thuốc thường dùng sau:
Bài 1: Ích khí dưỡng âm thang: Đảng sâm 15g, mạch môn 9g, ngũ vị tử 5g, chích huỳnh kỳ 15g, nhục quế 4g, chích cam thảo 4g, phù tiểu mạch 30g, táo tàu 5 quả. Nước vừa đủ sắc còn 1/3, chia 2 lần uống trong ngày, uống ấm lúc bụng đói, ngày 1 thang. Chủ trị huyết áp thấp mạn tính, chóng mặt đau đầu, tinh thần ủy mị, chân tay rã rời, mất ngủ, lưỡi đỏ nhạt, rêu lưỡi mỏng trắng, mạch hư.
Bài 2: Thăng ích thang: Thục địa 30g, hoài sơn 15g, đan bì 15g, trạch tả 9g, ngũ vị tử 9g, hoàng kỳ 15g, ma hoàng 9g. Nước vừa đủ, sắc còn 1/3, mỗi thang sắc 3 lần lấy 400 - 500ml, chia 3 lần uống trong ngày. Chủ trị huyết áp thấp, hoa mắt, chóng mặt, tinh thần ủy mị, tai ù, lưng đau gối nhức mỏi, tim đập nhanh và loạn nhịp, thở dốc, đêm ngủ không yên, trí nhớ kém, lưỡi đỏ, mạch trầm.
Ngoài thuốc sắc trên còn có các món ăn, nước uống hỗ trợ làm tăng nhanh hiệu quả điều trị. Cần lựa chọn áp dụng thích hợp với các triệu chứng biểu hiện ở mỗi bệnh nhân. Sau đây xin giới thiệu món ăn - bài thuốc tùy thể bệnh.
Thể thận dương hư suy: Biểu hiện đầu choáng, mắt hoa, tai ù, hay quên, lưng đau gối mỏi, sắc mặt nhợt nhạt, tinh thần mệt mỏi, sợ lạnh, tay chân lạnh, đi tiểu đêm  nhiều, ăn kém, đại tiện lỏng nát, chất lưỡi nhạt.
Bài 1: Trứng gà 1 quả, bột nhung hươu 0,3g. Đập trứng vào bát, bỏ bột nhung hươu vào, quấy đều và tráng chín, ăn điểm tâm hằng ngày. 20 ngày là một liệu trình.
Bài 2: Câu kỷ tử 10g, thỏ ty tử 10g, nhục thung dung 6g, bồ dục bò 1 quả, bồ dục chó 1 quả, thịt bò 100g, thịt gà 50g. Bồ dục bò và chó làm sạch, bổ đôi ngâm nước lạnh trong 30 phút; thịt bò và thịt gà thái miếng, các vị thuốc cho vào túi vải buộc kín miệng. Tất cả cho vào nồi hầm lửa nhỏ cho thật nhừ rồi bỏ bã thuốc, cho thêm bột hạt tiêu, gừng tươi thái chỉ và gia vị, chia ăn vài lần trong ngày.
Thể tâm tỳ lưỡng hư: Biểu hiện mệt mỏi nhiều, cảm giác khó thở, hồi hộp đánh trống ngực, đầu choáng, mắt hoa, chân tay rã rời, hay vã mồ hôi, ăn kém, chậm tiêu, sắc mặt nhợt nhạt, chất lưỡi nhợt, đại tiện lỏng nát.
Bài 1: Thịt bò 1kg, rượu vang 250ml. Thịt bò rửa thái miếng, cho vào nồi hầm nhỏ lửa thật nhừ, cứ 1 giờ chắt nước cốt 1 lần rồi thêm nước đun tiếp. Làm 4 lần như vậy, hợp 4 nước lại, chế thêm rượu vang rồi cô lửa nhỏ thành cao đặc, để nguội, đựng trong lọ kín dùng dần. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 3 thìa canh.
Bài 2: Gà mái 1 con 1kg, nhân sâm 10g, hoàng kỳ 30g, ngũ vị tử 15g. Gà làm thịt, chặt miếng, các vị thuốc cho vào túi vải, buộc kín miệng. Tất cả bỏ vào nồi, nước vừa đủ, hầm lửa nhỏ cho thật nhừ, bỏ bã thuốc, thêm gia vị, làm canh ăn.
Thể trung khí bất túc: Biểu hiện mệt mỏi thích nằm, ngại nói, ngại vận động, hay có cảm giác khó thở, hoa mắt, chóng mặt nhiều, chân tay buồn mỏi, chán ăn, miệng nhạt, dễ vã mồ hôi, đại tiện lỏng nát, chất lưỡi nhợt.
Bài 1: Nhân sâm 10g, phục linh 10g, hoài sơn 10g, đậu đỏ 30g, bột gạo nếp 50g, đường trắng và mỡ lợn vừa đủ. Các vị thuốc sao  thơm, tán bột, trộn đều với bột gạo nếp và đường, chế đủ nước, nhào kỹ làm thành bánh rồi rán chín. Ăn điểm tâm hằng ngày.
Bài 2: Dạ dày lợn 1 cái, hạt sen tươi 40 hạt. Dạ dày làm sạch, hạt sen bỏ tâm rồi cho vào dạ dày lợn, buộc kín miệng, nước vừa ăn, hầm nhừ, khi chín vớt dạ dày ra, thái miếng trộn đều với hạt sen rồi chế thêm gừng tươi, hạt tiêu và gia vị, dùng làm thức ăn.
Bài 3: Đảng sâm 100g, thịt bò 500g. Thịt bò rửa sạch, thái miếng ướp gừng tươi, hạt tiêu và chút rượu vang. Cho đảng sâm vào túi vải, buộc kín miệng, đem hầm với thịt bò cho nhừ, thêm gia vị làm thức ăn hằng ngày.
Bài 4: Nhục quế, quế chi, cam thảo mỗi vị 10g, hãm uống thay trà.
Bài 5: Phục linh 15g, linh chi 9g, cam thảo 12g. Sắc nước uống thay trà hằng ngày.
Nên uống cà phê vào buổi sáng.
Kết hợp xoa bóp, day bấm các huyệt sau để tăng hiệu quả điều trị:
Day mạnh huyệt nhân trung, nội quan.
Cứu ấm: bách hội, thượng tinh, khí hải.
Xoa bụng vùng quanh rốn, xoa ngực trái (vùng tim) và tập thể dục, đi bộ, thở dưỡng sinh, khí công dưỡng sinh hoặc thái cực quyền, tùy điều kiện có người hướng dẫn ban đầu.
Lương y Minh Chánh

Hãy dè chừng với “cậu ông trời”

Gần đây, trên internet xuất hiện nhiều bài viết về một số người ở Quảng Bình ăn gan, mật, da cóc sống chữa ung thư. Để tăng thêm "độ tin cậy" cho bài viết, các tác giả còn đính kèm các ảnh "minh họa" về giết cóc. Trong số đó có bài đã ghi: "Cóc là loài cực độc, người khỏe mạnh ăn thịt cóc chín không may bị dính một chút mỡ, gan, mật, trứng... cóc có thể chết lập tức...". Vậy cóc có những bộ phận nào độc? Báo SK&ĐS xin giới thiệu bài viết của GS.TS. Phạm Xuân Sinh - Trường đại học Dược Hà Nội về những giá trị làm thuốc của cóc trong y học cổ truyền và độc tính của nó.
 
 Trứng và gan cóc là bộ phận rất độc của con cóc.
Từ xưa, dân gian vẫn coi cóc là một động vật vừa gần gũi, quen thuộc, lại  coi cóc như "con", "con cóc". Hơn thế nữa, còn dành cho cóc một vị trí đáng "nể"  "con cóc là cậu ông trời". Cóc được các nhà khoa học đặt tên cho là  Bufo melanostictus  Scheider, họ cóc Bufonidae. Thật vậy, cóc là động vật rất có ích với đời sống của con người. Vì cóc giúp người tiêu diệt rất nhiều các côn trùng có hại đến  cuộc sống của chúng ta, như thường xuyên bắt ruồi, nhặng, cào cào,  châu chấu... đặc biệt là các loại sâu xám chuyên ăn lá rau, lá lúa... ảnh hưởng đến sản lượng cây trồng nói chung. Một số bộ phận của cóc còn được sử dụng như những  vị thuốc quý:
Thịt cóc: Sau khi chặt bỏ đầu, các bàn chân và toàn bộ phủ tạng, ngâm và rửa thật sạch nhiều lần bằng nước sạch, để ráo nước, sấy khô ở nhiệt độ tăng dần từ 50oC trở lên, đến khi thịt cóc chín giòn, vàng, mùi thơm, vị ngậy. Lấy ra, để nguội, tán bột mịn. Có thể dùng riêng hoặc phối hợp với bột của  một số vị thuốc khác: hoài sơn, ý dĩ, liên nhục... có tác dụng trị còi xương, suy dinh dưỡng, mà y học cổ truyền thường gọi chung là "cam tích"  ở trẻ em.
Nhựa cóc (tên vị thuốc là thiềm tô), tức nhựa lấy chủ yếu ở hai túi nọc phía trên đầu của cóc, sau khi sấy khô ở nhiệt độ nhất định dùng để làm thuốc. Trong nhựa cóc chứa rất nhiều chất độc như bufotoxin, bufotalin, bufotenin, bufotenidin... Trong Đông y, thiềm tô là một  thành phần của các bài thuốc cổ phương: Lục thần hoàn, để trị các chứng sốt cao, co giật ở trẻ em, nhất là trẻ dưới 5 tuổi; hoặc Hầu chứng hoàn, để trị các bệnh viêm hầu họng, sốt cao, sưng đau.
Ngoài ra, người ta còn dùng than cóc đốt tồn tính, bằng cách đem một con cóc sống, bọc kín trong đất sét, nướng trên than hồng, lấy ra, đập vỡ, thu toàn bộ phần than cóc, tán mịn, bôi vào các vết mụn nhọt, ngoài da lâu ngày không liền miệng, hoặc phối hợp với bột hùng hoàng bôi vào chỗ bị "cam tẩu mã" ở trẻ nhỏ.
Ngoài thịt cóc, nhựa cóc, than cóc tồn tính đã nói ở trên, cũng cần quan tâm đến các bộ phận khác để tránh các yếu tố bất ngờ khi tiếp xúc với loài động vật này.
Trước hết, nói về mỡ cóc. Mỗi con cóc có hai chùm mỡ, mỗi chùm có từ khoảng trên 10 dải mỡ, mỗi dải dài khoảng 2-3cm, màu từ vàng nhạt đến vàng đậm. Sau khi ngắt lấy các chùm mỡ, thả vào chậu nước sạch, vớt các chùm mỡ nổi lên, rửa sạch. Khi rán lên, thu được loại mỡ có màu vàng đậm, sánh, ngậy. Mỡ cóc ăn ngon và không độc.
Nói đến trứng cóc, có thể khẳng định rằng rất độc. Đã có nhiều trường hợp bị ngộ độc do ăn trứng cóc. Mỗi con cóc cái, nhất là cóc vàng có khi trọng lượng của nó  tới 100 -150g hoặc hơn thì  hai buồng trứng lại càng  lớn. Trứng cóc có màu xám, giống như trứng ếch, hoặc trứng chão chuộc. Khi đun chín, trứng cóc không thể hiện một mùi gì đặc biệt khó chịu. Do đó một số người lầm tưởng là trứng ếch, ăn vào và đã trúng độc. Bị ngộ độc do ăn phải trứng cóc sẽ nhanh chóng dẫn đến đau bụng, nôn mửa, sùi bọt mép, tiêu chảy... và có thể bị tử vong nếu không được gây nôn và rửa ruột kịp thời. Điều cần hết sức lưu ý là một số con cóc có buồng trứng bị sa. Từ bọc trứng, có một  bao hình dải rất mảnh và nhỏ, đường kính khoảng 0,5mm, sa xuống và luồn lách theo các kẽ bắp cơ đùi và bắp cơ cẳng chân cóc. Trên dải túi đó phân bố cách đều, khoảng từ 3-5mm có một trứng cóc. Và như vậy có rất nhiều trứng cóc nằm khuất bên trong bắp cơ đùi và  cơ bắp chân của cóc. Đương nhiên, mặc dù chỉ ăn những cái đùi, chân của con cóc đó cũng sẽ bị ngộ độc ngay. Điều đó giải thích tại sao có  người nói rằng họ đã làm cóc rất sạch, chỉ ăn có phần đùi và chân thôi vẫn bị ngộ độc, là như vậy. Ngoài ra cũng cần phải nói thêm rằng, có rất nhiều trường hợp ăn thịt cóc, dĩ nhiên đã được rửa sạch, loại trừ tất cả các nguy cơ gây ngộ độc đã biết từ trước (nhựa, trứng, phủ tạng...) và được nấu chín cẩn thận nhưng sau khi ăn bị viêm đường tiết niệu cấp tính với các triệu chứng: tiểu buốt, rắt, lượng nước tiểu ít, bí tiểu, tiểu máu... Đó cũng là điều cảnh báo và nhắc nhở: Không nên tùy tiện sử dụng thịt cóc dưới dạng thực phẩm, nhất là cho trẻ em. Cứ cái đà "xôn xao tin đồn ăn cóc khỏi ung thư", rồi đây không biết còn bao nhiêu người nữa sẽ lâm vào cảnh ngộ độc, thậm chí tử vong.
Người viết bài này có lời khuyên: Hãy để cho con cóc sống thân thiện, như một yếu tố cân bằng sinh thái. Trong cuộc sống, đôi khi cũng cần đến cóc, song không nên sử dụng một cách tùy tiện, để tránh hậu họa đến tính mạng của chính mình và con cháu.
GS.TS. Phạm Xuân Sinh

Quả đào


 Quả đào.
Quả đào còn gọi là quả sơn đào, mao đào, bạch đào... Quả đào có vị ngọt, hơi chua, tính ôn có công hiệu đối với việc tiết nước bọt, nhuận tràng, hoạt huyết, ích khí... Thích hợp với các chứng miệng khô, ít nước bọt, bụng nóng, đại tiểu tiện bí, ứ huyết, người già suy nhược, đầu váng, mệt mỏi. Quả đào có tác dụng: nhuận tràng, hoạt huyết, hạ huyết áp, chữa chứng khó thở, ho ra đờm, tiêu ứ. Chủ yếu dùng điều trị chứng táo bón, kinh nguyệt không đều, ho, khô mồm, khô lưỡi... Cách dùng: Ăn tươi hoặc chế biến thành đào khô, ngâm với mật để dùng.
Chữa kinh nguyệt không đều: Ðào tươi nhúng vào nước sôi, sau đó bóc vỏ, bỏ hạt, xay nhuyễn, thêm một chút mật (đường đỏ), cho thêm nước sôi vào ăn.
Chữa đại tiện, táo bón, khô miệng, khô lưỡi: Ðào tươi rửa sạch, ăn sống, hoặc dùng đào khô sắc nước uống.
Trị chứng ra mồ hôi trộm: Ðào chín tươi một quả. Rửa sạch, bỏ hạt, xay nhuyễn, thêm 50g gạo tẻ, nấu thành cháo hoặc thành cơm, ăn với đường kính. Mỗi ngày dùng vào buổi sáng và buổi tối.
Chữa phù thũng: Ðào tươi ăn mỗi ngày 2-3 lần, mỗi lần 1-2 quả.
Ngoài công dụng chữa bệnh quả đào còn có tác dụng làm đẹp da mặt: lấy hai quả đào tươi bỏ vỏ và hạt, giã nát, vắt lấy nước, trộn với một ít nước cơm xoa lên mặt mỗi ngày một lần.
Lưu ý:  Ăn nhiều thì bị nóng, người mắc bệnh vê nhiệt không nên ăn nhiều.
Bác sĩ  Minh Hằng

Cách dùng trứng gà phòng chống tăng huyết áp

Nhiều người bị bệnh tăng huyết áp thường không dám ăn trứng nói chung và trứng gà nói riêng, thậm chí còn kiêng kị một cách tuyệt đối. Kỳ thực, quan niệm như vậy là chưa hoàn toàn đúng. Bởi lẽ, chỉ xét riêng về phương diện y học cổ truyền, trứng vừa là thức ăn vừa là vị thuốc và nó có mặt trong khá nhiều món ăn - bài thuốc được dùng để phòng chống các bệnh lý thuộc hệ tuần hoàn, trong đó có bệnh tăng huyết áp. Một số ví dụ cụ thể dưới đây sẽ giúp bạn đọc tham khảo và hiểu thêm về vấn đề này.
 Lá dâu nấu với trứng gà phòng chống tăng huyết áp.
Bài 1:  Trai 50g, trứng gà muối 1quả, gạo tẻ 50g, gia vị vừa đủ. Các vị rửa sạch, ninh nhừ thành cháo, chế thêm gia vị, chia ăn 2 lần trong ngày. Công dụng: bổ ích can thận, dưỡng tinh huyết, trừ phiền giáng hỏa, dùng cho người bị tăng huyết áp và hội chứng tiền mãn kinh.
Bài 2:  Côn bố 20g, ý dĩ 20g, trứng gà 2 quả, dầu thực vật và gia vị vừa đủ. Côn bố rửa sạch thái ngắn đem nấu với ý dĩ thành cháo; trứng tráng chín, thái sợi đổ vào nồi cháo, chế đủ gia vị, chia ăn 2 lần trong ngày. Công dụng: cường tim lợi niệu, hoạt huyết nhuyễn kiên, dùng cho người bị tăng huyết áp, thiểu năng mạch vành, thấp khớp cấp...
Bài 3:  Giun đất 5 con, trứng gà 2 quả. Ngâm giun đất trong chậu nước từ 2 - 3 ngày cho hết chất nhớt rồi mổ bụng làm sạch, thái ngắn; trứng gà đập ra bát, hoà đều cùng giun đất rồi đem tráng chín ăn trong ngày. Công dụng: bình can tức phong, định thần giáng áp, dùng cho người bị tăng huyết áp thuộc thể can phong nội động, can dương thượng cang với biểu hiện chủ yếu là hoa mắt chóng mặt, đau đầu nóng mặt.
Bài 4:  Cải cúc 250, lòng trắng 3 quả trứng gà. Cải cúc rửa sạch, thái ngắn nấu thành canh, khi được cho lòng trắng trứng vào quấy đều vài dạo rồi bắc ra, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: dưỡng tâm nhuận phế, kiện tỳ tiêu thực, dùng cho người bị tăng huyết áp, rối loạn tiền đình, ăn uống chậm tiêu.
Bài 5:  Thiên ma 10g, trứng gà 1 quả. Đem thiên ma sắc kỹ lấy nước bỏ bã rồi đập trứng gà vào khi nước thuốc đang sôi, quấy đều, ăn liên tục trong 1 tuần. Công dụng: bình can tức phong, dưỡng tâm an thần, dùng cho người bị tăng huyết áp, suy nhược thần kinh, thiểu năng tuần hoàn não, trẻ em hay bị co giật do sốt cao...
Bài 6:  Lá dâu (tang diệp) 6g, trứng gà 1 quả. Hai thứ rửa sạch nấu chín, ăn trứng uống nước, dùng liên tục trong 7 ngày là 1 liệu trình. Công dụng: sơ phong thanh nhiệt, mát gan sáng mắt, bổ ích khí huyết, dùng cho người bị tăng huyết áp hay đau đầu chóng mặt.
Bài 7:  Lá sen 1 cái, trứng gà 1 quả, đường đỏ 20g. Các vị đem nấu chín, bỏ bã lấy nước uống trong ngày, 7 ngày là 1 liệu trình. Công dụng: thăng thanh giáng trọc, thanh thử giải nhiệt, bổ ích khí huyết, dùng rất tốt cho người bị tăng huyết áp.
Bài 8:  Giấm chua 60g, trứng gà 1 quả. Trứng đập ra bát, đổ giấm vào quấy đều, nấu chín rồi ăn vào sáng sớm khi chưa ăn sáng, 7 ngày là 1 liệu trình. Công dụng: hoạt huyết giáng áp, rất thích hợp cho người bị tăng huyết áp.
Bài 9: Vừng 30g, mật ong 30g, giấm ăn 30g, trứng gà 1 quả. Vừng tán mịn trộn đều với giấm, mật ong và lòng trắng trứng, nấu chín chia làm 6 phần, mỗi ngày ăn 3 phần chia 3 lần. Công dụng: bổ can thận, nhuận ngũ tạng, tán ứ chỉ thống, chuyên dùng cho người bị tăng huyết áp.
Bài 10:  Tang kí sinh 15 - 30g, trứng gà 1 quả. Hai vị rửa sạch nấu kỹ, bỏ bã, ăn trứng uống nước. Công dụng: bổ ích can thận, dưỡng huyết trừ phong, an thai, dùng cho người bị tăng huyết áp, tê liệt tứ chi do di chứng trúng phong, thấp khớp thể huyết hư.
Theo các sách thuốc cổ như Bản thảo cương mục, Thương hàn luận tạp bệnh, Thiên kim phương, Bản thảo tiện độc, Nhật hoa tử bản thảo..., trứng gà tính bình, vị ngọt, có công dụng tư âm dưỡng huyết, nhuận táo trừ phong. Tuy là vị thuốc bổ nhưng cổ nhân cũng khuyên nên dùng trứng ở mức độ vừa phải tùy theo thể tạng và tính chất bệnh lý, vì nếu dùng quá nhiều có thể gây nên tình trạng tích trệ, chướng mãn, đặc biệt với những người tỳ vị vốn hư yếu. Đối với những người bị tăng huyết áp có kèm theo rối loạn lipid máu khi dùng các món ăn - bài thuốc nêu trên rất cần có sự theo dõi, hướng dẫn tỉ mỉ của thầy thuốc có chuyên khoa.
ThS. Hoàng Khánh Toàn

Cây thiên lý chữa chứng mất ngủ

Thiên lý còn gọi là dạ lý hương, dạ lài hương. Là một loại cây dây leo tự quấn. Thân dài 1 - 10m, màu lục ánh vàng, khi non có lông tơ, những đoạn thân của năm trước màu xám nhạt, không có lông, thông thường có các mấu xốp nhỏ thưa thớt. Cuống lá dài 1,5 - 5cm; phiến lá hình trứng, phần gốc lá hình tim với các lõm gian thùy hẹp, nhọn mũi. Xim hoa kiểu tán (mọc thành chùm), chứa 15-30 hoa; cuống hoa 0,5-1,5 cm, có lông măng. Ra hoa trong khoảng từ tháng 5 đến tháng 10. Bộ phận làm thuốc là rễ, lá và hoa thiên lý.
Theo Đông y, thiên lý có vị ngọt tính bình, giải nhiệt, chống rôm sảy, là một vị thuốc an thần, làm ngủ ngon giấc, bớt đi đái đêm, đỡ mệt mỏi, đau lưng, có tính chống viêm, thúc đẩy chóng lên da non, được sử dụng trị liệu chữa lòi dom, đinh nhọt, trị giun kim...
Theo nghiên cứu hiện đại, thành phần dinh dưỡng có trong cây thiên lý bao gồm: chất xơ 3%, chất đạm 2,8%, và gồm chất bột đường, các vitamin như C, B1, B2, PP và tiền vitamin A (caroten), cùng các khoáng chất cần cho cơ thể như calcium, phospho, sắt, đặc biệt là kẽm (Zn) có hàm lượng khá cao, vì vậy thiên lý vừa là thức ăn và thuốc bổ dưỡng giúp trẻ mau lớn, giúp người già giảm chứng phì đại tuyến tiền liệt vừa tăng sức đề kháng cho người sử dụng. Chất kẽm còn có tác dụng đẩy chì ra khỏi tinh dịch, chữa chứng vô sinh ở nam do thường xuyên tiếp xúc với  chì.
 Cây thiên lý.
Bài thuốc chữa bệnh có sử dụng thiên lý:
Chữa đái buốt: Lấy rễ cây thiên lý từ 10 - 20g, sắc lấy nước uống 2 - 3 lần trong ngày. Uống trong 5 ngày.
Chữa đinh nhọt: Lấy lá cây thiên lý 30 - 50g, giã nhỏ đắp vào chỗ mụn nhọt, ngày thay 1 lần, vài ba ngày sẽ khỏi.
Trị giun kim: Lấy lá thiên lý non nấu canh cho trẻ ăn liền từ 7 - 10 ngày sẽ hiệu quả. Hoặc có thể dùng bài thuốc sau: Hoa thiên lý 30g, rau sam 20g, lá đinh lăng 25g. Ba thứ rửa sạch, sao khô, sắc lấy nước uống trong ngày, mỗi ngày chia làm 3 lần, uống liên tiếp trong 3 ngày.
Chữa mất ngủ: Hoa thiên lý 30g, hoa nhài 10g, tâm sen 15g. Ba thứ sắc chung lấy nước uống trong ngày. Dùng liên tục trong một tuần.
Phòng rôm sảy ngày hè: Hằng ngày nấu canh hoa thiên lý ăn. Với trẻ có thể xay lá và hoa thiên lý ra nấu lẫn với bột khi cho trẻ ăn dặm.
Làm giảm đau mình mẩy, nhức xương cốt: Hàng ngày lấy hoa thiên lý xào với thịt bò ăn sẽ có tác dụng.
Lưu ý: Do trong thiên lý chứa kẽm nên khi sử dụng không xào nấu cùng với các thức ăn giàu chất sắt như gan, thịt lợn nạc, rau muống... vì chất sắt có trong các loại thực phẩm này sẽ đẩy kẽm ra khỏi cơ thể.
Bác sĩ  Minh Hằng

Cá mực - Món ăn ngon, vị thuốc quý


 Mực tươi hấp gừng có tác dụng hạ huyết áp.
Cá mực còn gọi là mực nang, mực mai, mực ván, ô tặc ngư, mặc ngư, thuộc họ mực nang (Sepiidae), tên khoa học là Sepia spp. Cá mực là loại động vật không xương sống, cơ thể chia làm 2 phần: đầu và thân. Phần đầu có 8 – 10 tay với những hàng giác bám, tay xúc giác dài hơn thân. Miệng ở dưới bụng. Phần thân mềm chiếm 70% trọng lượng, có hình bầu dục, mặt lưng có nhiều vân gợn sóng. Mai mực là lớp vỏ trong bằng đá vôi xốp bọc một lớp sừng mỏng. Mực nang có nhiều ở vùng biển nhiệt đới, chúng sống ở tầng nước sâu có độ mặn cao, thành từng đàn ở dưới đáy. Mực nang ăn cá, giun và các động vật nhỏ hơn. Mùa sinh đẻ vào tháng 4 – 9. Bộ phận dùng làm thuốc chủ yếu là mai mực với tên gọi là ô tặc cốt hay hải phiêu tiêu. Mùa khai thác vào tháng 6 – 8. Mực đem về mổ lấy thịt, giữ lại mai, rửa sạch muối bám ở ngoài, phơi khô. Khi dùng cạo sạch vỏ cứng ở ngoài mai, cắt thành miếng nhỏ hoặc tán bột, rây mịn.
Trong mai mực có các muối canxi dưới dạng carbonat, phosphat, sulfat, các chất hữu cơ và chất keo. Mai mực có vị mặn, chát, mùi hơi tanh, tính ấm, không độc, có tác dụng chỉ huyết, làm se.
Thịt cá mực cũng được dùng làm thuốc nhưng không phổ biến. Trong thịt mực có protid, lipid, Ca, p, Fe, vitamin B1, B2, B6, PP. Thịt cá mực có vị ngọt, chua, tính bình, có tác dụng bổ trung, ích khí, điều kinh.
Thuốc chữa bệnh từ mai mực
Chữa ho ra máu, phụ nữ bị băng huyết, trẻ em chậm lớn: Ngày uống 4 – 8g bột mai mực, có thể đến 12g. Dùng liền 7 – 10 ngày, nghỉ một tuần, sau lại tiếp tục nếu cần thiết.
Đại tiện ra máu: Mai mực nướng vàng, tán bột, mỗi lần uống 4 – 8g với nước sắc cây mộc tặc (Nam dược thần hiệu).
Đau mắt hột: Mai mực vót nhọn ngâm vào dung dịch rễ hoàng liên với tỷ lệ 1 – 5%, rồi đánh mắt.
Chữa bỏng: Mai mực đốt thành than, rây bột mịn, trộn với dầu vừng hoặc dầu dừa, bôi ngày 2 lần. 1 tuần sau vết loét sẽ se lại.
- Chữa lở loét ở âm hộ: Mai mực đốt thành than trộn với lòng trắng trứng gà, bôi hằng ngày.
Chữa cam tẩu mã, loét mũi, viêm tai chảy nước: Mai mực 12g, hoàng liên 12g, thanh đại 12g, hồng đơn 12g, ngũ bội tử 12g, tế tân 12g, nhân trung bạch 12g, phèn phi 8g, mai hoa 4g. Sao riêng từng vị (trừ hồng đơn, mai hoa, thanh đại) rồi tán nhỏ mịn, trộn đều. Khi dùng rắc vào vết thương, vết loét.
Thở khò khè, thở gấp, đờm nhiều: Mai mực sấy khô, mỗi lần uống 15g với một ít đường đỏ.
Chữa đau loét dạ dày, tá tràng, ợ chua, đại tiện táo:
+ Mai mực 20g, cam thảo 12g, thổ bối mẫu 6g. Tất cả tán nhỏ, rây bột mịn. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 6g vào trước bữa ăn 30 phút.
+ Mai mực 60g, mẫu lệ nung 30g, gạo tẻ 30g (sao vàng), hoàng bá 20g (sao vàng), màng mề gà 20g (sao vàng), cam thảo 20g, hàn the 10g (phi). Tất cả tán nhỏ, rây bột mịn. Ngày uống 2 lần, người lớn mỗi lần 8g, trẻ em 5 – 10 tuổi mỗi lần 2g, trẻ em trên 10 tuổi mỗi lần 4g.
+ Mai mực 120g, cam thảo 200g, màng mề gà 20g, hương phụ 20g, chế với giấm và nước tiểu, sao vàng, lá cà độc dược khô 12g, hàn the 10g (phi), phèn chua 10g (phi), vỏ quýt 8g. Tất cả tán bột, rây mịn. Ngày uống 2 – 3 lần giữa hai bữa ăn. Người lớn mỗi lần 4g chiêu với nước ấm. Lưu ý: phụ nữ và trẻ nhỏ không được dùng.
Thuốc từ thịt cá mực
Chữa tắc kinh: Thịt cá mực tươi 1 con, nhân hạt đào 15g, nấu chín, ăn hết một lần.
Bổ máu, tăng cường thể lực cho phụ nữ sau sinh: Thịt cá mực tươi 250g, rửa sạch, thái nhỏ, xào chín với ít muối và 1 – 2 thìa nước gừng, ăn trong bữa cơm hằng ngày.
Thanh nhiệt, giải độc, giảm mỡ, hạ huyết áp: Thịt cá mực tươi 50 – 100g thái miếng, luộc chín, để ráo, cho vào bát cùng với gừng 5g, hành 10g, giấm 10g, dầu vừng đen 10g, muối ăn 5g. Tất cả trộn đều, ăn trong ngày.  
BS. Nguyễn Văn Trường

Trà thanh nhiệt cho mùa hè


Rau má. 
Mùa hè nhu cầu về nước uống tăng. Ngoài những loại nước uống thông thường, với kinh nghiệm hàng nghìn năm, Đông y đã chế ra những loại trà vừa giải nhiệt vừa bổ dưỡng, rất thích hợp để sử dụng trong những ngày hè.  
Sau đây là một số loại trà, bạn đọc có thể tham khảo và áp dụng khi cần.
Bài 1: Rau má 200g, nhân trần 100g, lá đinh lăng 200g, cam thảo 100g. Các dược liệu đều ở dạng khô.
Cách chế: các vị sao giòn tán vụn trộn đều, bảo quản trong bình kín tránh ẩm. Ngày dùng 30 - 40g. Hãm với nước sôi vào ấm chuyên, sau 10 phút có thể dùng được. Uống thay trà trong ngày.
Công dụng: thanh nhiệt, nhuận gan, chống khát.
Bài 2: Cây chó đẻ răng cưa 200g, lá đắng 100g, cam thảo 100g, bạch truật 100g. Các dược liệu ở dạng khô.  Sao giòn tán vụn trộn đều, bảo quản trong bao kín tránh ẩm. Ngày dùng 30 - 40g. Hãm với nước sôi vào ấm chuyên, sau 10 phút có thể dùng được. Uống dần trong ngày.
Công dụng: Mát gan, chống khát, dưỡng tỳ vị. Bài này phù hợp với những người có chức năng gan bị suy giảm, hay lở ngứa, ít ngủ, tiêu hóa kém.
Bài 3: Hoa hòe 200g, cỏ mần trầu 200g, cỏ xước 100g, táo nhân 100g, lá sen 200g, cam thảo 100g.
Cách chế: Riêng táo nhân sao đen. Các vị kia sao giòn tán vụn trộn đều, bảo quản trong bình kín tránh ẩm. Ngày dùng 30 - 40g. Hãm nước sôi vào ấm chuyên, sau 10 phút có thể dùng được. Uống dần trong ngày.
Công dụng: Thanh tâm, bổ tâm, giải khát, làm bền vững thành mạch. Bài này phù hợp với những người bị tăng huyết áp có biểu hiện: hoa mắt, chóng mặt, ngủ không yên giấc, hồi hộp, hay quên.
Bài 4: Ích mẫu 200g, kim tiền thảo 200g, lá đinh lăng 200g, rễ cây bí đỏ 100g, cam thảo 100g (phơi khô các dược liệu). Sao giòn tán vụn trộn đều, bảo quản trong bình kín tránh ẩm. Ngày dùng 30 - 40g. Hãm nước sôi vào ấm chuyên, sau 10 phút có thể dùng được. Uống dần trong ngày.
Công dụng: Thanh nhiệt, lợi niệu, bài thạch. Trong bài: ích mẫu và kim tiền thảo là hai vị đặc trị sỏi tiết niệu. Rễ bí đỏ lợi niệu, chống khát. Cam thảo bổ tỳ và điều hòa các dược liệu. Bài này phù hợp cho những người bị sỏi thận, sỏi mật, viêm bàng quang, viêm niệu đạo, với những triệu chứng: đau vùng hố thận, tiểu đỏ, tiểu ít, hoặc có biểu hiện thận bị ứ nước.
Lương y Trịnh Văn Sỹ

Chim cút rất bổ nhưng phải biết dùng

Chim cút và trứng cút thì ai cũng biết. Nhưng tác dụng bổ dưỡng của nó thì chưa mấy ai biết. Trong y văn đã xếp nó vào thương phẩm mệnh danh là "Sâm động vật". Gọi như vậy vì nó là động vật có tác dụng bổ dưỡng như sâm thực vật. So với các sản phẩm động vật khác thì chim cút cho tác dụng bổ toàn thân trội hơn tác dụng bổ cục bộ.
Chim cút tốt cho người bị xơ vữa động mạch,
mỡ máu cao...
Chim cút vị ngọt tính bình, có tác dụng bổ ngũ tạng, lợi cửu khiếu, ích trung khí, mạnh gân cốt. Dùng cho các đối tượng suy nhược thần kinh và thể lực, trẻ em suy dinh dưỡng, người già lú lẫn, phụ nữ có thai và cho con bú, người mới ốm dậy cần lấy lại sức, người lao động vất vả chân tay và trí óc. Chim cút cũng có phần nhỏ bổ thận tráng dương, lưng đau, gối mỏi. Ngày nay chim cút được dùng cho trường hợp béo phì, tiểu đường, tăng huyết áp, xơ mỡ động mạch vì chim cút có ưu điểm giàu chất dinh dưỡng (đạm, khoáng) nhưng rất ít mỡ. Tuy nhiên còn phụ thuộc vào cách chế biến như không được rán hay nướng...
Thành phần dinh dưỡng của thịt chim cút nói chung cao hơn các gia súc, gia cầm khác đến 10 lần (trong đó chất béo lại thấp hơn nhiều). Sau đây là một số cách dùng:
Nhóm thức ăn
Thanh nhiệt trừ thấp cho người mỡ máu cao, béo phì, xơ xứng mạch, tăng huyết áp, tiểu đường, lú lẫn tuổi già: Chim cút 1 con. Đậu đỏ nhỏ 20g (xích tiểu đâu), gia vị. Chim cút làm sạch bỏ phủ tạng, nhồi đậu đỏ. Nước vừa đủ. Chưng chín cả 2 nêm gia vị hành, gừng, ít muối. Ăn ngày 1 con liền trong 2 tuần.
Ích khí dưỡng huyết, kiện tỳ hòa vị cho người ho lâu ngày thiếu máu, tiểu đường, trẻ em cam tích tiêu chảy kéo dài, suy dinh dưỡng: Chim cút 2 con, hoài sơn 50g, gạo tẻ 100g nấu cháo khi chín cho ăn nóng, gia vị thích hợp (gừng hành).
Bổ tỳ, ích thận, dưỡng tâm, an thần. Dùng cho người thận hư đau lưng, mỏi gối, ù tai, khó ngủ, biếng ăn, thiếu máu, ho lâu ngày. Chim cút 2 con, củ cải trắng 200g, chim cút làm sạch thái miếng. Củ cải thái sợi. Xào chim xong cho củ cải xào cùng. Nêm gia vị hành gừng ít rượu, giấm muối đun cho đến khi chín, ăn nóng.
Kiện tỳ trừ thấp thũng, giảm béo, dưỡng da, ăn ngon ngủ yên: Chim cút 5 con, ý dĩ 50g, rau xà lách 200g, tương, sữa lượng vừa đủ. Gia vị gừng hành. Đổ nước vào nồi với sữa, tương, muối, đường, rượu, gừng hành. Nấu sôi vớt bỏ bọt cho chim vào hạ lửa nấu chín. Lấy chim ra rưới nước dùng lên trên.
Nhóm dược thiện (Chim cút + thuốc)
Can thận âm hư lưng đau gối mỏi, răng yếu: Chim cút 3 con (khoảng 400g), câu kỷ tử 30g, đỗ trọng 15g. Hầm chín ăn chim, uống nước (bỏ thuốc).
Già yếu, chóng mệt, sưng mặt, chân, da khô, sợ lạnh, phân lỏng.
Chim cút 2-3 con (300g), ngũ gia bì 18g, hoàng kỳ 45g, phục linh 30 (thuốc cho vào túi vải). Dùng lửa to cho sôi rồi hạ lửa, ninh chín nhừ. Bỏ túi thuốc. Ăn chim uống nước. Người âm hư hỏa vượng kiêng món này.
Bổ phế ích thận, kiện tỳ khai vị. Chữa ho các loại, suy nhược, đoản hơi (hụt hơi): Chim cút 5 con. Đông trùng hạ thảo 2g, canh gà 100g. Gừng, hành, hạt tiêu, muối. Chim cút mổ moi. Đông trùng hạ thảo chia 5 phần lấy mỗi phần cho vào bụng chim buột chặt lại. Đặt chim vào bát to, cho nước canh gia vị rồi đặt bát chưng cách thủy để ăn cái uống nước.
BS. Phó Thuần Hương