Thứ Sáu, 27 tháng 2, 2015

Rau khúc - Thực phẩm hay, thuốc tốt

Rau  khúc  còn có  tên phật nhĩ thảo “thanh minh thảo”,  tên khoa học là Gnaphalium indicum, thuộc họ Cúc.  Cây rau khúc mọc hoang khắp nơi ở những ruộng khô. Lá khúc nếp dùng làm bánh khúc lá khúc tẻ dùng làm thuốc.
Theo Đông y, rau khúc có vị ngọt, hơi đắng, tính bình, không độc đi vào kinh phế. Có tác dụng hóa đàm, trừ phong hàn. Dùng chữa ho nhiều đờm, suyễn thở, cảm lạnh phát sốt, đau gân cốt, bạch đới, ung thũng.
Rau khúc - Thực phẩm hay, thuốc tốt
  • Cây rau khúc.
Một số bài thuốc chữa bệnh có dùng rau khúc:
Chữa cảm lạnh phát sốt: Dùng  toàn cây rau khúc khô 15 - 20g, sắc nước uống trong ngày.
Chữa ho nhiều đờm: dùng rau khúc khô 15 - 20g, đường phèn 15 - 20g, sắc nước uống trong ngày.
Chữa viêm họng, hen suyễn nghẹt đờm: dùng rau khúc khô 30g sắc uống hoặc thêm gừng, hành mỗi vị 10g cùng sắc uống.
Chữa viêm phế quản, suyễn thở do lạnh: dùng rau khúc khô 15g, hoàng giới tử 15g, tiền hồ 9g, vân vụ thảo 9g, thiên trúc tử 12g, tề ni căn 30g sắc nước uống trong ngày, liên tục 5 ngày. Nói chung cần uống hàng tháng mới thấy rõ tác dụng.
Chữa tăng huyết áp: rau khúc 30g, lá dâu 20g. Nấu canh ăn hàng ngày.
Chữa gân cốt sưng đau, chân gối sưng thũng: dùng toàn cây rau khúc 30 - 60g sắc nước uống trong ngày.
Chữa thống phong (gút): dùng lá và cành non cây rau khúc giã nát đắp vào những chỗ sưng đau.
Chữa phù thũng do tỳ hư (chức năng tiêu hóa suy yếu): dùng toàn cây rau khúc khô 60g, sắc nước uống trong ngày.
Chữa khí hư bạch đới: dùng rau khúc 15g, phượng vĩ thảo (cỏ seo gà) 15g, đăng tâm thảo (cỏ bấc đèn) 15g, thổ ngưu tất 12g sắc nước uống trong ngày. Chú ý: Không uống trong những ngày đang hành kinh, có thể gây rong huyết.
Chữa nhọt đầu đinh mới mọc: dùng lá rau khúc tươi trộn với cơm nguội và vài hạt muối đắp lên nhọt.
Chữa ngộ độc đậu tằm (đậu răng ngựa, đậu la hán): dùng rau khúc khô 60g, xa tiền thảo 30g, phượng vĩ thảo (cỏ seo gà) 30g, nhân trần 15g. Nước 1.200ml, sắc cạn còn 800ml hòa thêm đường vào uống thay trà trong ngày.
Lưu ý: Ngoài cây rau khúc nói trên, còn có một loài rau khúc khác (Gnaphalium multiceps Wall), cây cao hơn, hoa hình đầu màu vàng. Cũng được dùng làm thuốc với cùng tác dụng.

BS. Phó Thuần Hương

Dược thiện tốt cho người đái tháo đường

Y học cổ truyền gọi bệnh đái tháo đường là bệnh tiêu khát và chia làm nhiều thể do tỳ, do can, do phế, do thận bị rối loạn chức năng hoạt động mà sinh ra. Nguyên nhân của bệnh là do thói quen ăn uống thiếu lành mạnh, mất cân bằng dinh dưỡng sinh uất nhiệt, tâm thần bị tổn thương lâu dài làm suy giảm khí huyết vinh vệ, gây nhiều rối loạn, mất cân bằng âm dương, khí huyết trong cơ thể mà chủ yếu là ở các tạng phế, tỳ, thận. Do đó, chữa bệnh đái tháo đường cần ích phế kiện tỳ, bổ thận, thanh can, giáng hỏa, sinh tân.
Dược thiện tốt cho người đái tháo đường
Cát căn (bột sắn dây).
Theo Tuệ Tĩnh, bệnh đái tháo đường được phân ra tam tiêu khác nhau:
Bệnh ở thượng tiêu là phổi. Người bệnh uống nhiều, ăn ít, đại tiểu tiện bình thường. Đó là do tâm hỏa nung nấu phế kim mà sinh ra khát.
Bệnh ở trung tiêu là dạ dày. Người bệnh ăn nhiều, uống nhiều, tiểu tiện vàng đỏ. Đấy là vì dạ dày huyết nhiệt, mau tiêu thức ăn, chóng đói. Trong huyết có hỏa nung đốt thì chất nước khô ráo sinh ra khát.
Bệnh ở hạ tiêu là thận. Người bệnh tiểu tiện đục đặc như cao, phiền khát, uống nước nhiều, dần dần vành tai đen sạm, tiểu tiện nhiều lần.
Một số bài thuốc trị bệnh:
Bài 1 - Mạch môn đông thang: mạch môn, hoàng liên, đông qua (bí đao), mỗi vị đều 80g. Tất cả phơi khô, tán bột. Mỗi lần dùng 20g. Cho thuốc vào nồi, đổ nước 100ml sắc còn 70ml, bỏ bã, uống ấm. Công dụng: Trị bệnh tiêu khát biểu hiện ngày đêm uống nước không ngừng, uống xong lại đi tiểu luôn.
Bài 2 - Qua lâu cát căn phấn tán: qua lâu căn, cát căn phấn (bột sắn dây) lượng 2 vị bằng nhau. Tất cả tán bột. Mỗi lần dùng 12g, uống với nước đun sôi để mát, ngày uống 3 lần. Công dụng: Trị tiêu khát.
Bài 3 - Ô mai tán: ô mai nhục 120g sao qua. Ngày dùng 10g, cho thuốc vào nồi, đổ 200ml nước, sắc còn 100ml, lọc bỏ bã rồi cho vào 200 hạt đậu xị, sắc lại lần nữa còn 50ml, bỏ bã, uống ấm khi đi ngủ. Công dụng: trị tiêu khát, người buồn phiền khó chịu.
Theo Hải Thượng Lãn Ông, phàm thủy hỏa trong con người phải được thăng bằng, khí huyết phải được tư dưỡng vận hành thu nạp khắp nơi thì làm gì có bệnh tiêu khát... Phép chữa tất phải chia ra thượng, trung, hạ. Trước hết phải cấp cứu thận: thủy suy thì uống bài Lục vị, hỏa hư thì uống bài Bát vị.
Bài Lục vị: thục địa 8g, sơn thù 4g, sơn dược 4g, mẫu đơn 3g, phục linh 3g trạch tả 3g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài Bát vị: bài Lục vị thêm nhục quế 1g, phụ tử 1g.
Ngoài uống thuốc, người bệnh nên kết hợp ăn uống để tăng hiệu quả điều trị:
Cháo củ mài: củ mài tươi 120g (khô thì 60g) thái lát mỏng, gạo tẻ vừa đủ nấu cháo ăn lúc nóng.
Cháo đậu xanh: đậu xanh xay 100g, gạo tẻ 200g, gạo nếp 100g. Gạo tẻ, gạo nếp đãi sạch, trộn chung để ráo nước. Đậu xanh ngâm đãi vỏ sạch. Tất cả cho vào nồi, đổ nước vừa đủ, đun sôi rồi nhỏ lửa độ 2 giờ. Khi gạo nở nhừ lấy đũa khuấy đều, ăn buổi sáng.
Cháo củ cải: củ cải 250g băm nhỏ, gạo 200g. Gạo vo sạch nấu với củ cải thanh cháo. Ăn nóng trong ngày.
Cháo rau cần: rau cần tươi 60g, gạo tẻ 100g. Làm sạch rau, gạo vo sạch cho cả vào nồi, đổ 1 lít nước, nấu cháo, nêm muối và gia vị vừa ăn. Ăn nóng vào sáng và tối. Trị đái tháo đường và tăng huyết áp.
Cháo cá trê: cá trê 250g làm sạch, thả vào nước sôi luộc, vớt ra lọc xương rồi cho thịt cá vào nước luộc cùng gạo đã vo sạch nấu cháo, cho muối, gia vị bột ngọt vừa ăn. Mỗi ngày 1 bát chia ăn theo bữa cơm. Tác dụng bổ âm khai vị, trị đái tháo đường.
Canh cá chép: cá chép lượng vừa đủ làm sạch nấu với đậu đỏ, thảo quả, trần bì, tiêu bột. Ăn cùng bữa cơm.
Cá chạch kho tiêu: cá chạch 8 - 10 con, cắt đầu đuôi rửa sạch để ráo. Cho cá vào nồi, cho nước hàng, nước mắm, tiêu bột, hành, ướp 20 phút. Bắc lên bếp lửa riu riu, cho mỡ vào. Khi cá sôi đều là ăn được.
Quả dứa 1 quả khoét bỏ cùi, nhét vào 1 cục phèn chua, nướng trên lửa thang cho chín, ăn.
Khoai lang khô tán bột hãm nước sôi uống thay trà hằng ngày.
Vỏ và hạt sầu riêng sấy khô, ngày dùng 16 - 20g sắc nước uống thay nước trà.
Lưu ý:
Khẩu phần ăn nên nhiều chất đạm, chất xơ, ít chất béo, thường xuyên thay đổi các món như bí đỏ (bí ngô), đậu phụ, cà rốt, ngó sen, nấm hương, mộc nhĩ, đậu đỏ, đậu đen và uống nước dừa cạn, nước chè xanh, nước lá lốt, lá vú sữa, cỏ nhọ nồi.
Thường xuyên tập đi bộ, chạy bộ, vẫy tay (dịch cân kinh), thở dưỡng sinh, yoga, ngồi thiền tùy sức khỏe, thích môn nào thì tập môn ấy vừa sức, tập xong thấy thoải mái, khỏe người là tốt. Nếu thấy mệt thì giảm bớt cường độ và thời gian tập.

Lương y Nguyễn Minh

Húng quế giúp giảm stress hiệu quả

Rau húng quế là loại rau thơm được trồng phổ biến tại nhiều gia đình. Loại rau thơm này còn được xem như một loại cây linh thiêng trong lịch sử và thần thoại Ấn Độ. Bên cạnh ý nghĩa cầu xin cho mùa màng bội thu, người ta còn thường xuyên cho rễ và lá húng quế vào nhiều loại thuốc sắc khác nhau.
Húng quế được cho là mang lại nhiều lợi ích sức khỏe, từ việc làm đẹp da cho đến trị sỏi thận, nó có công dụng như một loại thuốc bổ giúp tăng cường sức khỏe cho cơ thể. Hàng nghìn năm nay, loại rau này được dùng như thảo dược giúp làm giảm các triệu chứng của cảm lạnh và bệnh cúm, hỗ trợ hệ thống hô hấp, giảm sốt và tăng cường sức khỏe tổng thể.
Y văn Ấn Độ ghi nhận lịch sử về loại cây linh thiêng này được sử dụng như một trong những thảo dược chính trong các phương thuốc Ayuvedic của người Ấn Độ từ thời cổ xưa. Nó nổi tiếng với những đặc tính giúp tăng cường sức khỏe và phòng chống bệnh tật. Ngày nay, húng quế cũng được chứng minh có tác dụng "xoa dịu", là loại thảo dược tuyệt vời để chống lại stress.
Húng quế giúp giảm stress hiệu quả
Các nghiên cứu cho thấy rau húng quế được dùng để duy trì hàm lượng cortisol của cơ thể ở mức bình thường, từ đó làm giảm bớt căng thẳng, hỗ trợ chống lại những hậu quả tiêu cực do căng thẳng gây ra cho não. Hơn nữa, lá húng quế giàu chất chống oxy hóa có tác dụng làm giảm căng thẳng bằng cách trung hòa các gốc tự do.
Nhờ những đặc tính nổi trội của loại thảo mộc lành tính mang lại lợi ích toàn diện, các thành phần trong rau húng quế giúp xoa dịu các dây thần kinh và điều chỉnh hệ tuần hoàn. Những dưỡng chất cực kỳ quan trọng này đồng thời làm chậm quá trình lão hóa và bảo vệ cơ thể khỏi những hậu quả do căng thẳng gây nên.
Các nhà khoa học khuyên mỗi người nên nhai khoảng 10 đến 12 lá húng quế hai lần trong ngày để chống lại căng thẳng một cách tự nhiên. Uống trà húng quế đều đặn sẽ giúp giảm bớt căng thẳng trong cuộc sống. "Thay vì uống thuốc an thần với nhiều tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe về lâu dài, bạn hãy thử dùng thảo dược như húng quế để chống lại căng thẳng. Đây là cách an toàn nhất và thảo dược không gây ra bất kỳ tác dụng phụ nào".

Thanh Hiền

Món ăn, bài thuốc từ đậu tương

Theo Đông y, đậu tương có vị ngọt tính bình, có tác dụng kiện tỳ khoan trung, nhuận táo tiêu thủy. Ngoài giá trị dinh dưỡng cao thì đậu tương còn có giá trị phòng và chữa bệnh như giảm cholesterol máu, hạ huyết áp, phòng ngừa cục máu đông, trị cam tích tả lỵ, bụng trướng, dịch hạch, giải độc, lợi đại trường, tiêu thủy trướng…
Một số món ăn, bài thuốc từ đậu tương:
Bài 1: Trị chứng dạ dày tích nhiệt, nóng trong bụng, xót ruột, tâm trạng bồn chồn không yên: Đậu tương 500g, tiết lợn sống 300g. Đậu tương sơ chế, ngâm nước cho mềm, tiết lợn luộc chín vớt ra thái miếng vừa ăn để riêng, cho đậu tương vào nước luộc tiết ninh nhừ, kế tiếp cho tiết vào đun sôi nêm gia vị vừa ăn. Bắc ra để ăn nguội trong ngày. Ăn liên tục 7 - 10 ngày.
Món ăn, bài thuốc từ đậu tương
Bài 2: Hỗ trợ điều trị tăng huyết áp, béo phì thể thấp trệ, mỡ máu cao, suy nhược cơ thể: Đậu tương 250g, đậu phụ 200g, nấm hương 10g, gia vị vừa đủ. Đậu tương sơ chế ngâm nước cho mềm, chế nước đủ dùng đem ninh nhừ, nấm làm sạch, đậu thái miếng vừa ăn. Khi đậu tương nhừ cho tiếp nấm và đậu phụ vào đun sôi nhẹ nêm gia vị bắc ra ăn trong ngày. Ăn liên tục 2 - 3 liệu trình, nghỉ 7 - 10 ngày ăn tiếp, mỗi liệu trình 10 - 15 ngày.
Bài 3: Đậu phụ 200g, giá đậu tương 250g, mộc nhĩ 20g, gia vị đủ dùng. Tất cả đem nấu canh hoặc xào ăn trong ngày, ăn liên tục 10 - 15 ngày. Món ăn thích hợp với người ăn kiêng giảm cân, người đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn lipit máu…
Bài 4: Giúp giảm độ khô nám, cải thiện sắc tố da ở người da đồi mồi: Giá đậu tương 500g phơi khô, sao vàng tán mịn. Ngày uống 3 lần mỗi lần một thìa cà phê, uống vào lúc đói, lấy rượu trắng chiêu thuốc, dùng liên tục trong 3 - 5 tháng.
Bài 5: Đậu phụ 100g, nấm hương 100g, mộc nhĩ 100, măng tươi 10g, gia vị đủ dùng. Nấu canh ăn hằng ngày, có thể ăn kéo dài. Bài thuốc có tác dụng nâng cao miễn dịch làm giảm thiểu tác dụng ở bệnh nhân sử dụng thuốc kéo dài hoặc tác dụng phụ của hóa trị liệu, giúp người bệnh nâng cao đề kháng.
Lưu ý: Nếu dùng đậu tương đơn thuần kéo dài không nên dùng liều cao, nếu ăn quá nhiều sinh nghẽn khí, sinh đàm, gây ho, làm nặng người, mặt vàng. Không dùng đồng thời với thịt lợn, dê và cá.

Bác sĩ Thanh Lan

Canh sườn đỗ xanh giã rượu ngày Tết

Nhờ công dụng giã rượu giải độc, món canh đỗ xanh rất đắt hàng trong các bàn tiệc ngày lễ, tết. Các bài thuốc từ đậu xanh cũng đắc dụng cho ngày xuân đi đường chẳng may trúng gió, ngất xỉu đột ngột hoặc ăn thực phẩm không rõ nguồn gốc hay sản phẩm quá hạn hoặc thân nhiệt quá nóng do khí.
Bên cạnh thành phần chính là protid, tinh bột, chất béo và chất xơ, đậu xanh chưa rất nhiều vitamin E, B1, B2, B3, B6, C, tiền vitamin A, vitamin K, acid folic, và các khoáng tố gồm Ca, Mg, K, Na, Zn, Fe, Cu.
Canh sườn đỗ xanh giã rượu ngày Tết
Chất xơ hòa tan trong bánh đậu xanh lấy đi những chất béo thừa và loại bỏ khỏi cơ thể trước khi hấp thụ, nhất là cholesterol. Vỏ đậu xanh có chứa nhiều hoạt chất thuộc nhóm flavonoid, các tác dụng ức chế sự tăng trưởng của các tế bào ung thư, đặc biệt là làm giảm nguy cơ ung thư vú và tuyến tiền liệt.
Theo đông y, đậu xanh có vị ngọt, hơi tanh, tính mát, tác dụng thanh nhiệt,giải độc, trừ phiền nhiệt, điều hòa ngũ tạng, giảm đau sưng, có ích cho người bị các loại bệnh nhiệt ngoài da như mụn nhọt, ghẻ lở, nổi mề đay; người bị cao huyết áp, cholesterol máu cao, viêm gan mãn tính, say rượu; trẻ em bị bệnh quai bị, sởi.
Canh sườn đỗ xanh
Với những người đang như nhiệt, háo khát, nổi mề đay hay uống nhiều bia rượu, canh sườn đỗ xanh vừa giúp điều hòa cơ thể vừa thải độc. Sườn để nấu canh ngon nhất là sườn thăn hoặc sườn sụn, đem luộc qua rồi rửa sạch. Đỗ xanh để cả vỏ, cán vỡ rồi đãi sạch. Cho đỗ xanh vào hầm cùng sườn cho đến khi nhừ, nêm gia vị vừa ăn và tra hành, rau mùi ta vào là ăn nóng được.
Những bài thuốc từ đỗ xanh
Người đi đường trúng gió, ngất xỉu đột ngột hoặc ăn thực phẩm không rõ nguồn gốc hay sản phẩm quá hạn: 20g đỗ xanh sống cho vào 30ml nước sôi. Năm phút sau, vớt đậu ra, giã nát, vắt lấy nước cốt cho uống.
Nam nữ thân nhiệt nóng do thời khí bị cảm sốt vàng da vì phũ thũng:
Dùng 50g đỗ xanh (còn vỏ) rang chín,
20g hoa cúc vàng (khô),
3g muối trắng,
35g đường cát nấu chung với 500ml còn 200ml,
50g lá dâu tằm ăn còn non,
20g nụ hoa nhài (mua ở hiệu thuốc đông y)
Tất cả nấu cô đặc còn lại từ 10ml đến 20ml nước. Ăn 3 lần/ngày, liên tục trong 7 ngày sẽ có kết quả./.
Theo Tiền Phong

Hoa hướng dương: món ăn - bài thuốc vào dịp Tết

Những ngày chuẩn bị Tết cổ truyền, ngoài mứt, trái cây, người ta còn có thú chưng hoa: Mai, Anh đào... và cả Hướng dương. Ngoài việc chưng cho đẹp những Tết, toàn cây Hướng dương còn được tận dụng làm thuốc khá tốt.
Hoa hướng dương: món ăn - bài thuốc vào dịp Tết 1
Lá hướng dương
Lá hướng dương thường dùng để trị cao huyết áp.
- Trị sốt và ức chế tụ khuẩn vàng: dùng 20 - 40g lá hướng dương, sắc uống.
- Trị cao huyết áp: dùng 30g lá hướng dương khô hoặc 60g lá hướng dương tươi, 30g thổ ngưu tất sắc nước uống thay trà.
Lõi thân và cành cây hướng dương
Lõi cành cây hướng dương có tác dụng trị chứng tiểu ra máu, sỏi đường tiết niệu, tiểu tiện không thông...
Trị ho gà: dùng 15 - 30g lõi thân và cành cây hướng dương giã nát hãm nước sôi, thêm đường trắng uống trong ngày.
Trị viêm phế quản mạn tính: lõi cành hướng dương lượng vừa đủ, rửa sạch, giã nát, cho thêm chút nước lọc rồi ép lấy nước uống (có thể pha thêm một ít đường) hoặc sắc uống.
Trị viêm phế quản mạn tính: đài hoa hướng dương 1 - 2 cái, sắc uống với một chút đường phèn.
Trị hen suyễn: đài hoa hướng dương tươi 30 - 60g, sắc kỹ rồi bỏ bã, cho thêm chút đường phèn, chia uống 2 lần trong ngày.
Trị hen suyễn: cành hướng dương lượng vừa đủ, sắc uống khi đói.
Trị hen suyễn: cành hướng dương 15g, cam thảo 6g, sắc uống.
Trị sỏi thận, sỏi đường tiết niệu: dùng khoảng 1m lõi thân cây hướng dương cắt khúc, sắc nước uống ngày 1 thang, dùng liên tục trong 1 tuần.
Trị sỏi thận, sỏi đường tiết niệu: dùng khoảng 60cm lõi thân và cành hướng dương, 60g rễ rau cần cạn, sắc uống ngày 1 thang, liên tục trong nhiều ngày.
Trị viêm đường tiết niệu và sỏi tiết niệu: lõi cành hướng dương 15g sắc uống.
Trị táo bón: lấy lõi cành hoa hướng dương sấy khô, đốt thành than rồi tán bột, mỗi ngày uống chừng 6g với nước ấm.
Hoa hướng dương
Theo Đông y, hoa hướng dương vị ngọt, tính ấm, không độc, có công dụng trừ phong, minh mục (làm sáng mắt). Thường dùng để trị các chứng bệnh như đầu choáng mắt hoa, phù mặt, nặng mặt, đau răng...
Trị đầu đau: đài hoa hướng dương 30 - 60g sắc uống.
Trị đau đầu, ù tai, đau răng, đau gan, đau bụng, đau khớp, viêm vú và tăng huyết áp: dùng 30 - 90g cụm hoa hướng dương sắc uống.
Trị hoa mắt chóng mặt: đài hoa hướng dương 30 - 60g, sắc uống hoặc lấy dịch chiết luộc với 2 quả trứng gà ăn. Cũng dùng hoa hướng dương tươi 60g hầm với thịt gà ăn.
Trị hen suyễn: cánh hoa hướng dương phơi khô trong bóng râm, thái nhỏ thành sợi rồi quấn thành điếu hút như hút thuốc lá.
Trị hen suyễn: hoa hướng dương 12g rửa sạch, giã nát, hòa thêm chút đường phèn rồi uống.
Trị viêm loét âm đạo: dùng 60g hoa hướng dương khô sắc lấy nước ngâm, rửa âm đạo hàng ngày.
Trị bỏng (nước sôi, bỏng lửa): hoa và lá hướng dương sấy khô, tán bột mịn, trộn với dầu thực vật bôi lên vùng da bị bỏng lửa rất tốt.
Trị ban sởi mà sởi mọc chậm: dùng lượng hoa hướng dương vừa đủ sắc lấy nước, để nguội bớt rồi lấy khăn tẩm, chườm suốt dọc cột sống và vùng bụng ngực cho đến khi ban sởi nổi đều thì thôi.
Trị hành kinh đau bụng: dùng 40 - 50g hoa hướng dương nấu nước, gia thêm ít đường, uống trong ngày.
Trị hành kinh đau bụng: hạt hướng dương 20 - 30g, sơn tra 30g đem sao đen tán nhuyễn, rồi hãm với nước sôi, cho thêm vào ít đường để dùng trong ngày. Nên dùng trước chu kỳ kinh vài ngày (độ 2 - 3 ngày), dùng liên tiếp 3 - 4 chu kỳ, nhiều người cho kết quả tốt.
Trị bế kinh, tắt kinh: lấy 100 - 200g móng heo đem sao cho phồng lên, rồi nấu chung với 20 - 30g cành hướng dương, để dùng trong ngày.
Trị tai ù do thận hư: đài hoa hướng dương 15g, hà thủ ô 6g, thục địa 9g, sắc uống.
Trị viêm loét dạ dày tá tràng: đài hoa hướng dương 60g, sắc uống hoặc đem hầm với dạ dày heo 1 cái làm canh ăn.
Trị xuất huyết dạ dày: đài hoa hướng dương 1 cái, sắc uống.
Trị viêm đường tiết niệu và sỏi tiết niệu: đài hoa hướng dương 1 cái sắc uống.
Hạt hướng dương
Một hoa hướng dương có thể cho đến hơn 1.000 hạt. Ngày nay, hướng dương được trồng rộng rãi ở nhiều quốc gia và dầu hướng dương (làm từ hạt) đã trở thành một trong những loại dầu được sử dụng phổ biến trên toàn thế giới. Trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu về tác dụng của hạt hướng dương.
Hoa hướng dương: món ăn - bài thuốc vào dịp Tết 2
Theo Đông y, hạt hướng dương có vị ngọt, tính bình, không độc, có tác dụng an thần, chữa tinh thần uất ức, thần kinh suy nhược, chán ăn, đau đầu do suy nhược, đi lỵ ra máu, sởi không mọc được.
Trong Đông y, hạt hướng dương được sử dụng như một liệu pháp thảo dược điều trị cho chứng rối loạn gan và loét dạ dày. Hạt hướng dương cũng phòng ngừa viêm khớp, bệnh tim và nhiều bệnh khác.
Trong hạt hướng dương, nhiều nhất là vitamin E, không chỉ giúp cho việc làm đẹp mà còn ngăn ngừa tiến trình lão hóa. Các thành phần trong loại hạt này có thể thúc đẩy quá trình tái sinh tế bào, bước đầu thu được hiệu quả trong trị liệu thần kinh suy nhược, mất ngủ...
Hạt hướng dương có giá trị dinh dưỡng khá cao, chứa dầu béo, protein, caroten, canxi, sắt, phospho và nhiều loại vitamin. Việc mỗi ngày ăn một nắm hạt hướng dương sẽ giúp tăng cường trí nhớ, ngăn ngừa lão hóa, giúp bạn kéo dài sức khỏe và tuổi thanh xuân.
Hạt hướng dương góp phần phòng ngừa các bệnh mỡ trong máu cao nhờ tác dụng làm giảm cholesterol. Trên động vật thí nghiệm, nó giúp tăng cường miễn dịch để chống trực khuẩn lao. Hạt hướng dương có thể sử dụng để trị một số bệnh như giun kim (ăn hạt sống), kiết lỵ ra máu, đau đầu do suy nhược.
Lượng magie trong hạt hướng dương cũng khá cao. Ngoài việc giúp giảm huyết áp, magie còn có thể làm giảm mức độ tiến triển nặng của bệnh suyễn, phòng ngừa chứng đau nửa đầu, giảm nguy cơ đau tim, đột quỵ.
Selen trong hạt hướng dương là khoáng chất có thể giúp phòng ngừa và hỗ trợ điều trị các bệnh ung thư nhờ vào việc ngăn chặn phản ứng hóa học tạo ra các gốc tự do có thể dẫn đến ung thư, ức chế sự phát triển của khối u, đồng thời làm chậm tiến triển ung thư ở những người đang mắc bệnh.
Tăng sức khỏe tim mạch: ăn hạt hướng dương cũng có lợi cho chức năng hoạt động bình thường của hệ thống tim mạch. Chất beatine có trong hạt hướng dương giúp hạn chế sự sản xuất của homocysteine - một amino acid sulfuric chịu trách nhiệm phát triển các vấn đề như huyết khối tĩnh mạch hoặc động mạch, bệnh mạch vành... Nó cũng chứa arginine - một acid amin đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố các mạch máu và động mạch của cơ thể.
Trị đau đầu, váng đầu: lấy hạt hướng dương đã bỏ vỏ chừng 30 - 40g, gà mái 1 con làm sạch, bỏ ruột hầm cùng hạt hướng dương. Ăn thịt gà và hạt hướng dương, uống nước.
Trị kiết lỵ ra máu: lấy hạt hướng dương đã bỏ vỏ 30g, đổ nước đun sôi hãm trong một giờ sau cho đường phèn vào uống.
Trị giun kim: hạt hướng dương sống, mỗi ngày cần ăn sống bỏ vỏ một nắm (không ăn hạt hướng dương đã chín vì sẽ kém hiệu quả).
Vỏ hạt hướng dương
Trị cao huyết áp: hạt hướng dương bỏ vỏ sao qua, tán bột, mỗi ngày uống 6g trước khi đi ngủ.
Trị tai ù do thận hư: vỏ hạt hướng dương 9 - 15g sắc uống.
Rễ cây hướng dương
Rễ hướng dương có công dụng chữa các chứng đau ngực sườn, đau do viêm loét dạ dày, tá tràng, đại tiểu tiện không thông thoáng, tổn thương do trật đả...
Trị huyết áp cao: rễ hướng dương 60g, thái vụn, sắc uống.
Trị viêm loét dạ dày tá tràng: rễ hướng dương sấy khô, tán bột, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 6g.
Hoặc dùng rễ hướng dương 15g, tiểu hồi hương 9g, sắc uống.
Trị đau tức vùng thượng vị, ăn không tiêu: dùng rễ cây hoa hướng dương, tiểu hồi hương, hạt mùi, mỗi vị 6 - 10g, sắc nước uống.
Trị táo bón: dùng rễ cây hoa hướng dưỡng giã nát, lọc lấy nước cốt, hòa với mật ong. Mỗi lần uống 15 - 30g, ngày uống 2 - 3 lần.
Trị tinh hoàn sưng đau: dùng 30g rễ cây hoa hướng dương sắc với đường đỏ uống.
Trị viêm đường tiết niệu và sỏi tiết niệu: rễ hướng dương tươi 30g sắc uống.
Trị phù thũng, tiểu tiện không thông: rễ hướng dương 15g, vỏ bí đao 30g, sắc uống hằng ngày.
Lưu ý: phụ nữ có thai không được dùng các vị thuốc lấy từ cây hoa hướng dương vì có thể gây sảy thai.
Lương y HOÀNG DUY TÂ

"Thịt dê bổ hình" trong dược thiện

Theo ông, “bổ” có thể làm khỏi tình trạng hư nhược của cơ thể. Nhân sâmvà thịt dê thuộc vào loại bổ hư đó. Nhân sâm bổ khí hư, “thịt dê hổ hình hư”.
Ông đánh giá tác dụng bổ hư của thịt dê và nhân sâm là như nhau. Thịt dê là thức ăn bổ hình, có thể bổ huyết hư nhược, bổ khí của những cơ bắp có hình. Thịt dê với nhân sâm tuy là hai loại khác nhau nhưng khi đem sử dụng thì đều đem lại hiệu quả như nhau…
Theo Đông y, thịt dê tính ôn, vị ngọt, đi vào tỳ kinh, vị kinh, tâm kinh, thận kinh, có công năng bổ tỳ vị, ôn kinh bổ huyết, ôn thận tráng dương. Nó là thức ăn bổ dưỡng và điều trị được bệnh, có tác dụng trợ nguyên dương, bổ tinh huyết, điều trị phế hư, ích lao tổn, rất thích dụng đối với những người bị các chứng bệnh như: hư lao gầy còm, ốm yếu, bị băng lậu, mất máu nhiều, bị ho suyễn lâu ngày, kinh nguyệt ít, không có thai, bị liệt dương, xuất tinh sớm, bị đau bụng do bị sa một tạng nào đó trong bụng…
Thịt dê tính ôn nhiệt, bổ khí tư âm, noãn trung bổ hư, khai vị kiện lực, bất cứ mùa đông hay mùa hè, ăn thịt dê đều có thể khứ thấp khí, tránh hàn lạnh, noãn (ấm) tâm tì. Nhưng dùng thịt dê vào mùa đông vẫn thích hợp hơn và tránh lạm dụng vào mùa hè.
Những tác dụng trị bệnh
Làm ấm cơ thể trong mùa đông giá rét: trong mỗi 100g thịt dê có chứa 28,8g chất béo, cung cấp cho cơ thể 306kcal, có tác dụng bổ sung nhiệt lượng rất tốt, giúp cho cơ thể chống lạnh trong mùa đông giá rét, nhất là đối với những người hư nhược, sợ lạnh.
Bổ hư lao, bất túc: có thể thêm một số vị thuốc đương quy, gừng sống, đường đỏ vào nấu lên ăn để bổ hư, chữa được các chứng bệnh hao tổn, người hư lao gầy còm, đau mỏi vùng thắt lưng, đầu gối, mình mẩy, chân tay giá lạnh, tinh thần suy sụp, váng đầu, đoản khí.
Chữa chứng hàn lạnh sau khi sinh: sản phụ sau khi sinh do xuất huyết sinh ra huyết hư, hư thì hàn ngưng khí trệ, bụng đau do lạnh, thịt dê có sở trường làm ấm tử cung, cho nên sản phụ có thể ăn để bổ máu sau khi sinh con. Nếu cho thêm đương quy là vị thuốc tốt trong phụ khoa nữa thì có thể điều ích doanh vệ, bổ huyết, hòa huyết; cho thêm gừng tươi tính ôn thì có thể tán hàn; người bị ứ huyết cho thêm cả đường đỏ vào nữa có thể làm hòa huyết.
Bổ thận tráng dương: thịt dê tính ôn, có thể ôn dương, thường được dùng trong những trường hợp thận hư dương suy, thắt lưng, đầu gối mỏi nhừ, bị liệt dương. Tốt nhất nên nấu lẫn với cẩu khởi tử thành món thịt dê cẩu khởi tử. Cẩu khởi tử 20g, rửa sạch, thịt dê 1.000g rửa sạch, để cả miếng cho vào trong nồi nước sôi chần kỹ, lấy ra bỏ vào trong nước lạnh rửa sạch tiết bám ngoài miếng thịt đi, thái thành miếng to khoảng 3cm. Khi chảo dầu, (mỡ) đang sôi cho các lát gừng vào cho thơm rồi cho thịt dê vào xào qua, cho thêm ít rượu vào nữa, đảo chín đều, xúc thịt dê vào trong nồi gốm, đổ nước và cho cẩu khởi tử, muối gia vị, hành vào đun sôi xong để nhỏ lửa đun tiếp khoảng 2 giờ, rồi cho thêm chút gia vị vào là được. Chia ra ăn vào mấy bữa ăn chính trong ngày kèm với một số rau thơm…
Thịt dê trong văn hóa ẩm thực
Thịt dê thường được chế biến thành 6 món. Trong đó có 2 món được nêu lên hàng đầu là lẩu dê và dê nướng. Ngoài ra còn các món như sau: dê tái, dê rán, dê xào, dê nấu, dê hấp, dê tần (của hiệu Phú Hòa ở phố Lương Văn Can Hà Nội từ năm 1940); món tái dê, chạo dê là thịt và bì ở 2 đùi sau ăn với tương gừng kèm rau húng, rau mùi. Chả dê rán vàng chấm nước sốt chua ngọt. Dê xào lăn với mỡ, nước hay với thịt gà xé sợi, dê cari, nhựa mận, sốt vang là những món sánh đặc ăn với bánh đa nướng, bánh mì. Dê hấp hoa sen. Dê tiềm thuốc (dược thiện) là món đại bổ không thứ nào bổ hơn, phải nấu cách thủy thường với các vị hoài sơn, quy thục, khởi tử. Theo tác giả Mai Khôi: “Người sành thưởng thức bất cứ món dê nào cũng phải phân biệt được dê tần với dê nấu thịt bò giả thịt dê. Người biết ăn tái dê phải tinh có da thui vàng, nhai dòn tan sần sật. Nếu thấy quăn cứng nhất định không phải thịt dê! Cho nên làm thịt dê đừng có bao giờ lột da. Để da dính liền vào thịt mới phân biệt được món tán giòn bằng thịt dê nguyên chất…! Dê tái đã rất ngon lại có tác dụng bổ tinh, minh mục (sáng mắt)...”.
Sau năm 1975, ở Hà Nội, dân nghiện tái dê đều phải thưởng thức tái dê tại quán của ông chủ có đích danh tên Mùi với món tái dê “mỏng dính ngoài vàng ươm nhưng trong vẫn còn lòng đào đỏ chót”. “Chỉ riêng món đó cũng đủ kích thích người ăn đến tận cùng ham muốn…” (Mai Khôi - Hương vị quê hương).
Một số món ăn - bài thuốc từ dê
Canh thịt dê - giò heo:
Thịt dê 250g, giò heo 1 cái, muối ăn, bột nêm một ít.
Thịt dê cùng giò heo ninh canh, nêm muối và bột nêm.
Món này dùng cho phụ nữ sau khi sinh thiếu sữa hoặc không có sữa. Ngày 2 lần, dùng liền 1 tuần.
Thịt dê hầm phụ tử:
Thịt dê 1kg, phụ tử (chế) 60g, cam thảo 10g, đương quy 10g, đại hồi, vỏ quế, muối ăn, gừng tươi mỗi thứ vừa đủ.
Thịt dê cùng tất cả nguyên liệu cho vào nồi, thêm nước hầm với lửa nhỏ đến chín.
Món này thích hợp dùng cho người già suy nhược ớn lạnh, người bệnh dương hư có triệu chứng lưng gối mỏi đau, tiểu đêm nhiều, tiểu nhiều lần, dễ mắc cảm mạo, ho phong hàn… Dùng cho người bình thường có công dụng bảo vệ sức khỏe. Chú ý, người mang bệnh nhiệt như phát sốt, đau họng, viêm gan, ho do phong nhiệt, cảm mạo phong nhiệt… không nên dùng.
Thịt dê nấu kỳ sâm:
Thịt dê 0,5kg, gừng tươi lát 25g, hoàng kỳ 30g, đảng sâm 30g, đương quy 20g.
Thịt dê cắt lát nhỏ, gừng tươi lát, hoàng kỳ, đảng sâm, đương quy bọc trong túi vải, tất cả nguyên liệu cho vào nồi, thêm nước nấu chín nhừ.
Món này có tác dụng bổ khí dưỡng huyết, cường tráng cơ thể. Thích hợp dùng cho các chứng khí huyết suy nhược sau bệnh hoặc sau khi sanh, suy dinh dưỡng, thiếu máu, sốt nhẹ nhiều mồ hôi, tay chân lạnh… Dùng thường xuyên tùy lượng.
Thịt dê nấu quy địa:
Thịt ba chỉ dê 0,5kg, đương quy 20g, sinh địa 20g, gừng khô 10g, nước tương, muối ăn, bơ, đường với mỗi thứ vừa đủ.
Thịt ba chỉ dê cắt lát, cùng tất cả nguyên liệu cho vào nồi, thêm nước nấu chín.
Có tác dụng bổ hư ích khí, ôn trung noãn hạ. Thích hợp dùng cho chứng gầy ốm sau bệnh hoặc sau khi sinh, huyết hư tử cung lạnh, rong kinh…
Cách dùng: dùng làm món phụ.
Lẩu thịt dê câu kỷ:
Thịt dê 1kg, câu kỷ tử 20g, nước dùng (canh ngon) 2 lít, dầu ăn, rượu đế, gừng tươi, hành, muối ăn, bột nêm với mỗi thứ vừa đủ.
Thịt dê trụng trong nước sôi nấu chín, vớt ra cắt lát vuông, cùng gừng tươi cho vào chảo thêm dầu xào sơ, rưới rượu, kế đến đổ vào nồi đất, thêm câu kỷ tử, nước dùng, hành, muối ăn, nấu nhừ với lửa nhỏ, thêm bột nêm gia vị.
Món này có tác dụng cố tinh sáng mắt, bổ thận mạnh gân. Thích hợp dùng cho người bệnh thận suy như nam giới liệt dương, xuất tinh sớm, phụ nữ kinh nguyệt không đều, suy giảm ham muốn. Người già suy nhược, thị lực suy giảm, váng đầu hoa mắt hiệu quả cũng rất tốt.
Cháo thịt dê nấu gừng:
Thịt 200g, gạo tẻ 100g, gừng tươi 3 lát, dầu và muối vừa đủ.
Thịt dê, gạo tẻ, gừng tươi cùng ninh cháo, thêm dầu và muối gia vị.
Món này có tác dụng bổ hư tổn, ích khí huyết, ấm tỳ vị, khu phong tráng dương, thích hợp dùng cho các chứng thân thể gầy ốm, lưng gối mỏi đau, ớn lạnh, nam giới thận dương bất túc, thân hư liệt dương, di tinh xuất tinh sớm, nữ giới kinh nguyệt không đều, huyết hư đau bụng kinh…
Cháo gan dê:
Gan dê 200g, gạo tẻ 250g, dầu và muối vừa đủ.
Gan dê rửa sạch, cắt nhỏ, cùng gạo tẻ ninh cháo, thêm dầu và muối gia vị.
Có tác dụng dưỡng can sáng mắt. Thích hợp dùng cho người bệnh quáng gà, người bình thường dùng bồi bổ thân thể và sáng mắt.
Gan dê xào hẹ:
Gan dê 250g, dầu ăn một ít, hẹ 150g, muối ăn vừa đủ.
Gan dê cắt lát, cho vào chảo có dầu xào bằng lửa to trong giây lát, thêm những hẹ cắt đoạn đã rửa sạch xào chung, nêm muối gia vị.
Có tác dụng bổ can ích thận, cố tinh sáng mắt. Thích hợp dùng khi ra mồ hôi trộm sau bệnh, thị lực kém, chán ăn, nam giới liệt dương di tinh, phụ nữ kinh nguyệt không đều, huyết trắng, rong kinh…
"Thịt dê bổ hình" trong dược thiện
Cháo cật dê:
Cật dê 100g, gạo tẻ 200g, dầu và muối vừa đủ.
Cật dê bổ ra, lạng bỏ gân trắng, rửa sạch cắt lát, thêm gạo tẻ ninh cháo, thêm dầu và muối gia vị.
Có tác dụng bổ thận tráng dương, thích hợp dùng khi thận hư đau lưng, di tinh, liệt dương. Dùng cho người bình thường có công năng bổ thận cường thân.
Cật dê nướng tiêu:
Cật dê 4 cái, tiêu xay 3g, giấy bạc 1 tấm.
Cật dê lạng bỏ màng gân, bổ ra, nhét vào tiêu xay, bọc giấy bạc nướng chín.
Món này đại bổ dương khí.
Dùng với rượu vang.
Canh bao tử dê nấu đậu đen:
Bao tử dê 1 cái, đậu đen 50g, hoàng kỳ 30g, dầu và muối mỗi thứ vừa đủ.
Bao tử dê rửa sạch, cùng các nguyên liệu ninh canh, sau khi chín vớt bỏ hoàng kỳ, thêm dầu và muối gia vị.
Suy nhược ra nhiều mồ hôi.
Cháo bao tử dê:
Bao tử dê 1 cái, gạo tẻ 100g, gừng tươi 3 lát, dầu, muối, hành, đậu xị với mỗi thứ vừa đủ.
Bao tử dê rửa sạch cắt lát, cùng gạo tẻ, gừng tươi ninh cháo, thêm dầu, muối, hành, đậu xị gia vị.
Dùng cho suy nhược sau tai biến.
Xương dê:
Xương dê (dương cốt) tính ấm, vị ngọt, không độc, đi vào kinh thận. Công năng bổ ích can thận, cường cân tráng cốt, chắc răng, kiện não bổ máu. Chủ trị: thận hư nhức lưng, lưng gối mỏi đau, đau nhức gân xương, chứng mềm xương, thiếu máu do rối loạn tạo máu, bầm tím do giảm tiểu cầu.
Cháo xương dê:
Xương dê 250g, gạo cao lương 100g.
Xương dê, gạo cao lương cùng ninh cháo.
Thích hợp dùng cho người già yếu dạ dày.
Dùng thường xuyên.
Canh xương ống dê nấu đại táo:
Xương ống (xương dài tứ chí) 0,5 kg, đại táo 100g.
Xương ống dê chặt nhỏ, nấu 1 giờ, thêm đại táo nấu chín.
Chữa thiếu máu do rối loạn tạo máu, bầm tím do giảm tiểu cầu.
Chia dùng 2 - 3 lần, nửa tháng là 1 liệu trình.
Cháo xương sống dê:
Xương sống dê 0,5kg, gạo tẻ 100g.
Xương sống dê chặt nhỏ, thêm nước đun, lấy nước, thêm gạo tẻ ninh cháo.
Đại bổ khí huyết, kiện não an thần.
Dùng mỗi ngày.
Thịt dê tính nhiệt và trợ dương: tất cả những người có những bệnh có tính nhiệt như khô miệng, khô lưỡi, bị sưng tấy và đau yết hầu, bị đau răng có mùi hôi, đang bị có đờm đặc màu vàng, bị đại tiện táo bón thì nên ăn ít thịt dê.
Người nhiệt thịnh âm hư kiêng ăn; người sau khi bệnh mới khỏi nên ăn ít. Sau khi ăn thịt dê kiêng uống trà ngay. Ăn thịt dê nhúng tái, nên nhúng chín kỹ mới ăn nếu không dinh dưỡng khó hấp thụ và phòng tránh nhiễm ký sinh trùng.
Người bệnh gan, bệnh sốt không nên ăn, người đờm hỏa nhiều thấp nhiệt thực tà chớ dùng.

BS. PHÓ THUẦN HƯƠNG - LY DS. BÀNG CẨM