Thứ Năm, 31 tháng 12, 2015

Cháo từ các loài hoa với làn da

Bên cạnh những thực phẩm quen thuộc để nấu lên món cháo, nếu bổ sung thêm cho tô cháo một vài loại hoa thì nó còn giúp mang lại một làn da khỏe đẹp, mịn màng.
Cháo là món ăn thông dụng trong cuộc sống, dễ chế biến, dễ tiêu hóa, rất phù hợp với trẻ em, người già, người ốm. Có nhiều loại cháo: cháo dinh dưỡng, cháo giải nhiệt mùa hè, cháo giải cảm. Khi cơ thể cảm thấy mệt mỏi, chán ăn thì đây chính là món ăn thích hợp để khôi phục sức khỏe. Bên cạnh những thực phẩm quen thuộc để nấu lên món cháo, nếu bổ sung thêm cho tô cháo một vài loại hoa thì nó còn giúp mang lại một làn da khỏe đẹp, mịn màng.
Cháo hoa nhài
Hoa nhài chứa một loạt các hợp chất hữu cơ và vitamin, đường, bột nên không chỉ tốt cho sức khỏe, mà còn được xem là thực phẩm làm đẹp hữu hiệu. Người ta thường dùng hoa nhài khô để nấu cháo. Cứ 100g gạo nấu thành cháo thì cho 3 - 5g hoa nhài vào nấu cùng. Cháo hoa nhài giữ da luôn mềm mại, không bị khô, chống lão hóa da khá hiệu quả.
Cháo từ các loài hoa tốt cho sức khỏe
Cháo từ các loài hoa tốt cho sức khỏe.
Cháo hoa cúc
Hoa cúc thọ nhất trong tất cả các loài hoa. Hoa cúc chứa nhiều tinh dầu, adenine, axit amin, vitamin và các chất khác, ức chế sự hình thành melanin ở da, kích hoạt các tế bào biểu bì, có tác dụng chăm sóc da tốt. Hoa cúc cũng thường được phơi khô để dành nấu cháo. Cứ 100g gạo để nấu cháo thì chọn 5-10g hoa cúc để cho vào nồi cháo đang sôi lăn tăn một lúc là được. Cháo hoa cúc có màu vàng đặc trưng, có thể giải độc cơ thể, trị nhức đầu, chóng mặt, mắt đỏ và giúp huyết áp ổn định.
Cháo hoa hồng
Chọn hoa hồng tươi, chưa nở hết, đem đun lấy nước. Lấy bã hoa cho vào máy xay thêm lần nữa, lọc lấy nước. Khi hạt gạo trong nồi cháo nở bung, cho nước hoa hồng vào khuấy đều là được ngay món cháo hoa hồng. Dùng hoa hồng để bổ sung vào nồi cháo thì ăn cháo ấy có thể thúc đẩy lưu thông máu, tránh những tổn thương ngoài da giúp da hồng hào và đẹp hơn.
Cháo hoa sen
Tất cả các bộ phận của cây sen đều được sử dụng để làm đẹp. Chẳng hạn, cánh sen được dùng trong việc ngâm bồn (spa trị liệu) rất hiệu quả để loại bỏ tế bào chết, tái tạo da, giúp làn da tươi trẻ lại. Đặc biệt, tinh dầu của sen trắng còn dùng để dưỡng da và massage, giúp lưu thông khí huyết.
Ngó sen cũng có khả năng tương tự, giúp sản sinh ra các chất đề kháng, tái tạo sức sống cho các tế bào. Sử dụng ngó sen làm nước uống sẽ giải được độc tố, giúp làn da đẹp hơn, các vết nám, tàn nhang và sẹo sẽ mờ dần.
Cháo hoa sen giúp cải thiện làn da đáng kể. Khi hoa sen nở, hái những cánh hoa đem phơi trong bóng mát cho khô rồi xắt nhỏ để dùng dần. Hằng ngày, dùng 50 - 100g gạo tẻ nấu cháo. Khi cháo chín, thêm 10 - 15 cánh hoa sen vào trộn đều, đun sôi là được. Cháo hoa sen có tác dụng làm dịu thần kinh, trừ đờm. Nếu thường xuyên dùng cháo này, làn da trở nên trắng mịn, nét mặt tươi hồng, tóc đen mượt và quá trình lão hóa sẽ chậm đi.


NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
Gọi cho chúng tôi 0902233317

Dược thiện từ chân gà

Chân gà không chỉ là món ăn ngon mà còn là vị thuốc quý giàu dưỡng chất có lợi cho sức khỏe. Y học cổ truyền gọi chân gà là kê cân, vị ngọt, tính bình, hơi ấm, không độc. Chân gà có tác dụng bổ hư, mạnh sinh lực, cường gân cốt... thường dùng bổ dưỡng về gân xương, sinh lý yếu, tỳ hư lâu ngày, người lớn tuổi hay bị xuất huyết nhiều nơi, trẻ em còi chậm đi, chậm mọc răng, nhiều mồ hôi. Sau đây là một số món ăn bài thuốc tiêu biểu được chế biến từ chân gà.
Chân gà hầm lạc, đậu đỏ chữa chứng gân cơ yếu, hay run tay, sinh lý yếu, người yếu hay xuất huyết nhiều nơi.
Gỏi chân gà ngó sen: chân gà luộc rút xương, ngó sen, cà rốt, lạc rang, hành tây, chanh, đường, tỏi, ớt, rau răm, rau thơm, gia vị, mắm vừa đủ làm gỏi ăn. Tác dụng bổ hư, khỏe gân cốt... chữa chứng ăn ngủ kém, mệt mỏi, người có tuổi hư nhược hay xuất huyết, trẻ em còi, người lớn gân xương yếu đều dùng hiệu quả.
Canh chân gà hầm rau củ: chân gà, đậu phụ, đậu hà lan, cà rốt, tiêu, hành ngò, gia vị vừa đủ nấu canh ăn. Tác dụng bổ hư tổn, mạnh gân cốt... Trị chứng sinh lý yếu, đau lưng, mỏi chân, thận yếu, khó ngủ, ù tai, tiêu chảy, kiết lỵ; người già ăn ngủ, mệt mỏi, hay bị xuất huyết nhiều nơi, đều dùng hiệu quả.
Chân gà hầm nấm hạt sen: chân gà, nấm hương, nấm mèo, hạt sen, hành, tiêu, mắm, muối, gia vị vừa đủ nhồi vào bụng gà hầm ăn. Tác dụng bổ hư, mạnh gân cốt... Trị chứng ăn ngủ kém, đi kiết, phế táo, ho, ho khan, nhiều mồ hôi, ăn ngủ, mệt mỏi, đái tháo đường, hư nhược, hay bị xuất huyết nhiều nơi.
Chân gà hầm khoai sọ: chân gà, khoai sọ, rau nhút, hành ngò, tiêu, mắm muối, gia vị vừa đủ hầm ăn. Tác dụng bổ hư, dưỡng gân xương... Chữa chứng hư nhược, ăn ngủ kém, sinh lý yếu, đau lưng, mỏi chân, thận yếu, trẻ em còi chậm phát triển, nhiều mồ hôi, người yếu hay bị xuất huyết, đau nhức do loãng xương nên dùng.
Chân gà hầm lạc đậu đỏ: chân gà, lạc, đậu đỏ, hành ngò, tiêu, mắm muối, gia vị vừa đủ hầm ăn. Món này chữa chứng gân cơ yếu, hay run tay, sinh lý yếu, người yếu hay xuất huyết nhiều nơi.
Chân gà nấu ngũ nấm: chân gà, nấm hương, nấm rơm, nấm sò, nấm mỡ, rau mùi, hạt tiêu, ớt, muối gia vị vừa đủ nấu súp ăn. Tác dụng bổ hư, khỏe gân cốt... Chữa chứng hư nhược, tay chân nhức mỏi, tăng kháng thể, giải độc gan...
Chân gà nấu bí đỏ: chân gà, bí đỏ, đậu phộng, dầu ăn, tiêu, mắm muối, hành ngò, gia vị vừa đủ hầm ăn. Tác dụng bổ hư, mạnh sinh lực... chữa chứng hư nhược, ăn ngủ kém, đau đầu, mệt mỏi, gân xương đau mỏi, nhiều mồ hôi.
Chân gà rất bổ dưỡng, tính hơi ấm nên không dùng nhiều cho người đang cần giảm cân, người mỡ máu cao, nội nhiệt đi tiểu vàng, tiểu buốt, dắt, viêm nhiễm đang sốt nóng. Người mắc chứng thống phong (gút) khớp đang sưng đau nên kiêng ăn chân gà.


NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
Gọi cho chúng tôi 0902233317

Món ăn, bài thuốc hỗ trợ điều trị xơ vữa mạch vành

Xơ vữa mạch vành là chứng bệnh thường gặp ở người cao tuổi. Người bệnh có những triệu chứng điển hình là đau trong lồng ngực, khó thở, hồi hộp, hoảng hốt, lo âu, mất ngủ hoặc ngủ chập chờn... Đông y xếp chứng bệnh này vào phạm vi chứng tâm thống. Dưới đây là một số món ăn, bài thuốc hỗ trợ điều trị khi bị bệnh.
Món ăn:
Cháo chim bồ câu, táo nhân: Chim bồ câu 1 con, gạo tẻ 80g, táo nhân 20g, gia vị vừa đủ. Chim bồ câu vặt lông, bỏ nội tạng, băm nhỏ nêm gia vị, sau đó cho vào xào chín kỹ. Gạo tẻ đãi sạch thêm nước hầm thành cháo. Táo nhân sao đen tán bột mịn. Cho gạo vào nồi đổ nước vừa đủ nấu cháo, khi cháo chín cho thịt chim bồ câu và bột táo nhân vào trộn đều, cho sôi lại là được. Thêm gia vị ăn trong ngày. Công dụng: Chim bồ câu bổ ngũ tạng, lưu thông huyết mạch; táo nhân sao đen dưỡng tâm an thần. Dùng món này cải thiện được tâm khí, tốt cho người bị hoảng hốt, lo âu, tâm thần hao tán, đau vùng ngực, khó thở, giấc ngủ chập chờn...
Lạc tiên.                              Long nhãn.                                 Cháo chim bồ câu táo nhân.
Cháo tim lợn, lạc tiên: Tim lợn 1 quả, gạo tẻ 80g, lạc tiên phơi khô 40g, gia vị vừa đủ. Tim lợn thái lát mỏng, ướp gia vị rồi xào chín. Lạc tiên cho vào ấm, đổ nước nấu sôi 20 phút rồi rót lấy nước bỏ bã. Lấy nước này thêm gạo hầm cháo cho chín kỹ. Khi cháo được, cho tim lợn vào trộn đều, cho sôi lại là được, nêm gia vị vừa ăn, ăn nóng, chia ăn hai lần sáng chiều. Công dụng: Tim lợn bổ tâm huyết; lạc tiên an thần. Món này rất tốt cho người bị đau ngực, hồi hộp lo âu, bồn chồn, thiếu máu cơ tim, tinh thần bất an, giấc ngủ chập chờn...
Bài thuốc:
Bài 1: Hoạt huyết thông mạch, dưỡng tâm an thần:  Xuyên khung 10g, ích mẫu 12g, phục thần 10g, lạc tiên 16g, long nhãn 12g, đại táo 10g, đinh lăng 16g, hoàng kỳ 12g, tang diệp 20g, đương quy 12g, thục địa 12g, bạch thược 14g, hà thủ ô 16g, cam thảo 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.
Bài 2: Hoạt huyết thông mạch, chống co thắt: Cát căn 15g, tâm sen 10g, hắc táo nhân 16g, tang diệp 20g, bồ công anh 20g, hà thủ ô 16g, đại hoàng 4g, đương quy 15g, thục địa 12g, ngũ gia bì 15g, ích mẫu 12g, cam thảo 10g, hồng hoa 10g, tô mộc 20g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần.
Bài 3: Hoạt huyết, dưỡng tâm, chống co thắt mạch vành: Xuyên khung 10g, đương quy 16g, đinh lăng 20g, bạch thược 12g, thục địa 12g, liên nhục 16g, tâm sen 10g, lạc tiên 20g, cát căn 20g, trúc diệp 16g, tô mộc 20g, cam thảo 10g, huyết đằng 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.


NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
Gọi cho chúng tôi 0902233317

Thứ Hai, 28 tháng 12, 2015

Món ăn thuốc chữa bí tiểu

Bí tiểu thuộc chứng lung bế (đi tiểu rất khó khăn) của y học cổ truyền. Chứng này do nhiều nguyên nhân, đa phần do can khí uất kết, mỗi khi tức giận hay xúc động...
Bí tiểu thuộc chứng lung bế (đi tiểu rất khó khăn) của y học cổ truyền. Chứng này do nhiều nguyên nhân, đa phần do can khí uất kết, mỗi khi tức giận hay xúc động, buồn phiền lại khó đi tiểu, hông sườn bụng đầy tức, mạch huyền. Phép trị chủ yếu kiện tỳ khai uất lợi thấp... Bên cạnh dùng thuốc, người bệnh nên dùng món bổ mát thông tiểu dưới đây:
Lẩu cá lóc (cá quả) rau đắng: cá lóc, rau đắng, hoa chuối, rau om, hành, ngò gai gia vị vừa đủ nấu canh ăn... Món này tác dụng thanh can khai uất lợi thấp nhiệt, chữa tiểu buốt, dắt, tiểu khó.
Canh atiso thịt vịt: bông atiso tươi, thịt vịt, gia vị vừa đủ nấu canh ăn. Món này tác dụng thanh thấp nhiệt, chữa tiểu buốt, tiểu dắt, tiểu khó và mụn nhọt, các chứng liên quan đến thấp nhiệt.
Canh cá trắm rau cải: cải bẹ trắng, thịt cá trắm luộc lấy thịt chao mỡ hành cho thơm, gừng, hành, gia vị vừa đủ nấu canh ăn... Món ăn tác dụng kiện tỳ khai uất, thanh thấp nhiệt, trị tiểu khó, đau tức hông sườn, ho đàm do nhiệt uất.
Cà bung ốc chuối: cà tím, lá lốt, thịt ốc nhồi, hành lá, tía tô, thì là, gia vị vừa đủ nấu ăn. Hành hoa, tía tô gia vị kiện tỳ khai vị  thông ứ, giúp ăn ngon... Món này tác dụng thanh can khai uất, thông tiểu tiện, trị tiểu buốt, tiểu dắt, tiểu khó.
Canh cua rau nhút: rau nhút, khoai sọ, thịt cua đồng, gia vị vừa đủ nấu canh ăn thường xuyên... Canh ngon bổ, tác dụng thanh thấp nhiệt dưỡng huyết, phòng trị chứng tiểu buốt, tiểu dắt, tiểu khó.
Canh mướp đắng nhồi thịt: mướp đắng, thịt ngan băm, gia vị vừa đủ nấu canh ăn. Món này tác dụng thanh can, lợi tiểu, chữa tiểu buốt, tiểu dắt, tiểu khó, mụn nhọt.
Canh hến nấu chua: thịt hến, dọc mùng, dứa, đậu bắp, rau ngổ, gia vị vừa đủ nấu ăn... Thịt hến tác dụng dưỡng huyết, mát can giải độc, lợi tiểu... Dứa thanh nhiệt, tiêu thực, lợi tiểu... Cà chua dưỡng âm, thanh nhiệt... Đậu bắp, dọc mùng thanh thấp nhiệt, thông tiểu... Tác dụng thanh nhiệt lợi thấp tiêu đàm chữa chứng tiểu buốt, tiểu dắt, gan nhiệt.
Ngoài món ăn bài thuốc trên, người bệnh nên tăng cường dùng các thực phẩm: rau mã đề, cần tây, củ cải, cải xoong, mướp hương, diếp cá, rau dền, dưa chuột, khèo nèo, núc nác, rau càng cua, rau dền, rau diếp, ý dĩ...; đâu đỏ, đậu xanh, đậu ván, đậu đen...; bưởi, na, dưa bở, chanh, sơ ri...; cá trắm, thịt gà trống, cá bống, cá rô, cá kèo, lươn, ngao, trai... đều là vị có tác dụng thanh thấp nhiệt, lợi tiểu tiện phòng trị chữa tiểu buốt, tiểu dắt, tiểu khó.
Để phòng bệnh, nên hạn chế món ăn cay nóng như tiêu, tỏi, ớt, gừng, nghệ...; thịt chó, thịt dê, thịt chim và các loại thịt cá phơi khô, kho, muối mặn, để lâu...; cà phê, thuốc lá, thuốc lào đều là vị gây nóng nhiệt nên kiêng.


NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
Gọi cho chúng tôi 0902233317

Sai lầm khi dùng thuốc có thể gây tử vong

Đi tiểu ban đêm nhiều lần gây mất ngủ, cơ thể mệt mỏi suy nhược, ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe và là hiện tượng khá phổ biến ở người cao tuổi.
Đi tiểu ban đêm nhiều lần gây mất ngủ, cơ thể mệt mỏi suy nhược, ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe và là hiện tượng khá phổ biến ở người cao tuổi.Trong Đông y, chứng bệnh này gọi là “niệu tần” và được điều trị với nhiều phương pháp khác nhau. Sách Thực vật trung dược viết: “Người cao tuổi thận yếu, tiểu tiện nhiều lần, lưng gối yếu mỏi...”; Mặt khác khi tuổi cao khả năng hấp thu kém, khả năng bài tiết, hệ tiết niệu giảm hoặc do tác dụng của thuốc điều trị tăng huyết áp, bệnh phù thũng do suy tim, suy thận và xơ gan... dần đến tình trạng phải đi tiểu nhiều lần.
Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu một số phương thuốc từ các loại thực phẩm có công dụng ôn thận, tráng dương, chỉ niệu... điều trị chứng tiểu đêm để bạn đọc tham khảo:
Bài 1: hoàng kỳ 30g, thục địa 30g, thịt gà 500g, gia vị vừa đủ. Tất cả cho vào nồi, hầm mềm. Ăn cái, uống thang, bỏ bã thuốc. Công dụng bổ tỳ vị, khí huyết, cải thiện chứng tiểu đêm.
Bài 2: thỏ ty tử 15g, gan gà trống 1 bộ, gạo tẻ 60g, gia vị vừa đủ. Tất cả cho vào nồi nấu chín thành cháo ăn hàng ngày. Công dụng thu liễm, bổ can thận trị lưng gối đau mỏi, tiểu tiện nhiều, đại tiện lỏng.
Bài 3: kim anh tử 20g, bàng quang lợn 1 cái, gia vị vừa đủ, hầm chín ăn hàng ngày. Hoặc: kim anh tử 6g hãm uống thay trà hàng ngày. Công dụng cố tinh khí, chỉ niệu
Bài 4: ích trí nhân 12g, ruột gà trống, gia vị vừa đủ,nấu canh ăn hàng ngày. Công dụng chữa tiểu tiện nhiều lần và tiểu tiện không tự chủ.
Bài 5: chim sẻ 5 con,  gạo tẻ 100g, gia vị vừa đủ. Nấu cháo, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: tráng dương ích tinh, làm ấm lưng gối và chỉ niệu.
Cháo chim sẻ ích tinh, ấm lưng gối  và chỉ niệu.
Bài 6: khiếm thực 50g, gạo tẻ 100g,  nấu cháo, thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng cố thận, bổ tỳ, chỉ niệu.
Bài 7: bạch quả  sao vàng, tán bột mịn, uống mỗi ngày 6g với nước ấm; Công dụng: liễm phế khí, trị chứng tiểu đêm nhiều lần.
Bài 8: bầu dục lợn làm sạch, thái miếng, khiếm thực 50g, gia vị vừa đủ, đun chín, ăn trong ngày. Công dụng: chữa thận hư, tỳ yếu, ăn uống kém, tiểu đêm.


NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
Gọi cho chúng tôi 0902233317

Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2015

Cá lóc tốt cho người bệnh thận

Cá lóc còn gọi là cá quả, cá chuối, cá tràu,… Cá lóc đen là một trong những món ăn dưỡng sinh. Theo Đông y, cá lóc có vị ngọt, tính bình, không độc.
Cá lóc còn gọi là cá quả, cá chuối, cá tràu,… Cá lóc đen là một trong những món ăn dưỡng sinh. Theo Đông y, cá lóc có vị ngọt, tính bình, không độc. Có tác dụng khử thấp, trừ phong, tiêu thũng, thông tiểu, tư âm, sinh tân dịch, bổ gân xương tạng phủ, chữa ít sữa, bổ khí huyết. Dùng bồi bổ sau ốm dậy vì dễ hấp thu, tốt cho những người mắc các chứng phù thũng, đái rắt liên quan tới thận.
Chữa thận hư nhiễm mỡ: Cá lóc 1 con (250g) bỏ ruột nấu với 200g đậu đỏ cho nhừ. Ăn hết 1 lần.
Lương huyết tiêu thũng, trừ thấp lợi thuỷ: Cá lóc: 1 con (250g), đậu đỏ 500g, bí đao 200g, đường phèn 30g. Nước vừa đủ nấu bắt đầu bằng lửa to cho sôi, rồi bớt lửa hầm nhừ, đậu nở. Chia làm 2 lần ăn trong ngày. Ăn cả cái lẫn nước. Ăn vã hoặc ăn với cơm.
Thanh nhiệt hoà vị, tiêu thũng: Cá lóc 1 con (250g), đậu đỏ 50g, vỏ bí đao 30g, cho vỏ bí đao vào bụng cá rồi nấu với đậu đỏ đã nấu chín sau 30 phút là được. Ngày 2 lần ăn cái lẫn nước. Ăn vã hoặc ăn với cơm.


Canh cá lóc.
An thần, ích trí, tiêu thũng:

Cá lóc 1 con (500g), thịt heo nạc 120g, long nhãn 6g, táo đỏ 6 quả, rượu 20g, muối, hành, gừng. Chiên cá, thịt heo thái mỏng, táo bỏ hột. Nước vừa đủ. Nấu nhừ ăn nóng.
Chữa thấp nhiệt ở bàng quang, đái rắt, nóng đầu ngọc hành, nước tiểu ít và vàng. Cá lóc 1 con (khoảng 500g), giá đậu xanh 150g, cà chua 100g, me 70g, gia vị vừa đủ. Cá lóc thịt, thái mỏng ướp gia vị. Phần đầu và xương luộc lấy nước bỏ bã, nấu với các thứ kia. Trái me hoặc lá me giã nhuyễn lấy nước cho vào canh. Nấu chín cho gia vị ăn với cơm. Ngày ăn 2 lần trong 1-2 tuần.
Bổ nguyên khí, thông tiểu: Cá lóc: 1 con (khoảng 400g), đông quỳ tử 24g, hồng sâm 9g, hoài sơn 30g, sinh hoàng kỳ 30g, lấy vải mỏng bọc đông quỳ tử, hồng sâm thái phiến. Nước vừa đủ. Nấu lửa nhỏ trong 2 giờ là ăn được (có hoài sơn không nấu lâu). Thường dùng sau phẫu thuật tuyến tiền liệt, suy yếu, mệt mỏi, đoản hơi, sắc mặt nhợt nhạt.
Chữa đái ra máu do tỳ hư: Cá lóc 250g thái mỏng, lá tỏi cắt đoạn hầm nhừ, nêm gia vị chia 2 lần ăn trong ngày.


NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
Gọi cho chúng tôi 0902233317

Diên niên, ích thọ từ móng giò

Móng giò rất giàu dinh dưỡng, chứa một hàm lượng canxi, sắt, vitamin A, B, C nhất định, nhất là chất protit trong móng giò sau khi tan ra có 11 khoáng chất không kém gì móng gấu.
Trung y cho rằng, con người chúng ta đến độ tuổi nhất định, thì thận suy yếu dần, sẽ xuất hiện những triệu chứng như đau lưng, mỏi mệt, còng lưng đi đứng không linh họat như trước... Lúc này nếu ăn móng giò, có thể khiến cho đôi chân khỏe khoắn, bổ thận, đỡ đau lưng. Vì móng giò được coi là thức ăn giàu dinh dưỡng, “loại thuốc bổ” diên niên, ích thọ. Nên vào ngày thu đông, món móng giò từ trước đến nay vẫn được coi là phương thuốc bổ khí huyết.
Móng giò rất giàu dinh dưỡng, chứa một hàm lượng canxi, sắt, vitamin A, B, C nhất định, nhất là chất protit trong móng giò sau khi tan ra có 11 khoáng chất không kém gì móng gấu. Đông y cho rằng, móng giò có tác dụng bổ máu, thông sữa, làm cho da mềm mại, bổ tinh thận....
Móng giò nấu lạc là món ăn bổ dưỡng.
Nhờ trong móng giò giàu chất keo protit, nên có hiệu quả nhất định đối với việc cải thiện chức năng sinh lý của các nội tạng trong cơ thể. Cơ thể con người sau khi hấp thu chất keo của móng giò, làm cho các tế bào da giữ được thủy phần, nên đỡ bị khô nhăn, khiến cho da bóng và căng.
Thường xuyên ăn móng giò còn có thể phòng ngừa những chướng ngại về dinh dưỡng một cách hiệu quả và có tác dụng nhất định đối với các chứng bệnh như chảy máu đường hô hấp, hôn mê do mất máu, đồng thời cải thiện vi tuần hoàn của cả cơ thể, qua đó có thể phòng ngừa hoặc giảm nhẹ bệnh tim và não thiếu máu. Đối với những người trong khi hồi phục sức khỏe sau khi mổ do bị bệnh nặng thì ăn móng giò có lợi cho việc hồi phục sinh lý bình thường của các nhóm tế bào, tăng nhanh sự thay đổi chất, khiến cho cơ thể con người không bị lão hóa. Đặc biệt là móng giò có tác dụng rất rõ rệt trong việc chữa trị bệnh suy nhược thần kinh, cải thiện trạng thái trầm cảm.
Móng giò có mùi vị thơm ngon, nhất là khi ninh cùng với lạc, hoa kim ngân… thì dinh dưỡng càng cao. Nhưng ăn cần có mức độ, do chức năng đường tiêu hóa của người già dần yếu đi, mà chất béo trong móng giò lại nhiều, vì vậy mỗi lần không nên ăn nhiều, để tránh việc khó tiêu hóa, ăn không ngon miệng.
Song đối với những người già bị viêm gan mạn tính, viêm ống mật, sỏi thận, thì tốt nhất không nên ăn móng giò, bằng không sẽ khiến cho bệnh càng thêm trầm trọng hoặc căn bệnh cũ lại tái phát. Lưu ý trước khi đi ngủ cũng không nên ăn móng giò.



NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
Gọi cho chúng tôi 0902233317

Dược thiện cho người mất ngủ

Mất ngủ nhất thời thường do thời tiết, công việc bề bộn, lo nghĩ hoặc do cơ thể suy nhược... mà sinh ra chứ chưa phải là bệnh. Chỉ cần điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt hằng ngày một cách khoa học, không nên lạm dụng thuốc ngủ. Việc tập thể dục, đi bộ, xoa bóp và dùng các món ăn thuốc dưới đây sẽ giúp bạn ổn định thần kinh, ngủ ngon.
Cháo long nhãn hạt dẻ: long nhãn 15g, hạt dẻ bóc vỏ 20g, gạo tẻ 50g, đường một ít. Đập vụn hạt dẻ, đem nấu với gạo thành cháo; khi cháo chín tới, cho long nhãn vào khuấy đều, đun sôi, cháo chín cho đường vào ăn.
Cháo trứng gà, hạt kê: trứng gà 1 quả, hạt kê 100g. Hạt kê vo sạch cho vào nồi, đổ nước vừa đủ, nấu cháo, khi cháo gần chín đánh trứng gà vào, đun tiếp một lát là được. Mỗi tối ăn 1 lần. Công hiệu: bổ tim, an thần, chữa thiếu máu, bồn chồn mất ngủ.
Cháo hạt dẻ long nhãn bổ tâm an thần, rất tốt  cho người bị mất ngủ.
Canh thịt nấu hạt sen, khiếm thực: thịt lợn 200g, hạt sen 50g, khiếm thực 50g, muối vừa đủ. Thịt rửa sạch cho vào nồi cùng hạt sen, khiếm thực, đổ nước vừa đủ, nấu canh, cho gia vị, ăn trong ngày lúc nào cũng được. Công hiệu: bổ thận cố tỳ, ninh tâm an thần, chữa tâm phiền mất ngủ, hồi hộp, lo âu, mộng mị, tiểu đêm nhiều.
Canh hàu, thịt lợn: thịt hàu tươi 150g, thịt lợn nạc 150g, gia vị vừa đủ. Thịt lợn rửa sạch, thái miếng. Hàu làm sạch, cho thịt hàu và thịt lợn vào nồi, đổ nước vừa đủ, nấu canh, thịt chín cho gia vị là được. Ăn trong bữa cơm.
Canh hến nấu bách hợp, ngọc trúc: thịt hến 50g, bách hợp 30g, ngọc trúc 20g, muối, bột ngọt vừa đủ. Thịt hến rửa sạch, thái nhỏ. Bách hợp, ngọc trúc rửa sạch cho vào túi, tất cả cho vào nồi, đổ nước vừa đủ, hầm chín nhừ, bỏ túi thuốc, cho muối, gia vị, ăn kèm trong bữa, ăn thịt, uống canh. Công hiệu: bổ âm, dưỡng tâm, trị mất ngủ, khát nước, gan bàn tay bàn chân nóng.
Gà giò hầm long nhãn: gà giò 1 con làm sạch cho vào nồi với long nhãn 30g, một ít rượu, giấm, hành, gừng, muối, gia vị, hầm nhỏ lửa trong khoảng 1 giờ. Ăn trong ngày. Công hiệu: bổ tỳ vị, an thần, ngủ ngon.
Nấm mèo hấp đường phèn: nấm mèo đen 10g, nấm mèo trắng 10g, đường phèn 30g. Nấm ngâm cho nở, bỏ tạp chất, rửa sạch cho vào bát cùng đường phèn, nước vừa đủ đem hấp hoặc chưng cách thủy khoảng 1 giờ. Ăn cả cái và nước. Công hiệu: bồi dưỡng cơ thể, giải độc, ngủ tốt.
Nước quả dâu, đường phèn: quả dâu tươi 50g, đường phèn vừa đủ. Quả dâu rửa sạch cho vào nồi, đổ nước vừa đủ, nấu chín cho đường vào đánh tan là được. Ngày dùng 1 thang. Công hiệu: bổ âm huyết, nhuận tràng, thông tiện, chữa mất ngủ do can thận âm hư, hay quên.
Nước tiểu mạch, cam thảo, táo tàu: tiểu mạch 60g, cam thảo 6g, táo tàu 30g. Tiểu mạch xát vỏ, táo ngâm nở bỏ hạt, cho vào nồi cùng cam thảo,  đổ nước vừa đủ, đun khoảng 1 giờ, chắt lấy nước, bỏ bã, uống trong ngày. Công hiệu: bổ dưỡng tâm can, an thần định chí, chữa mất ngủ, hồi hộp, bồn chồn, tinh thần hoảng hốt.


NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
Gọi cho chúng tôi 0902233317

Thịt dê chữa bệnh

Ăn thịt dê nhiều trị được bệnh gầy yếu, mệt mỏi, nôn ợ, đau bụng... mỡ dê còn có tác dụng trừ phong giải độc, kiết lỵ, nổi mề đay, mẩn ngứa.
Thịt dê rất giàu chất dinh dưỡng, thông thường được dùng làm món ăn trong Đông y còn dùng để làm thuốc có tác dụng bổ huyết, bổ gan, sáng mắt. Theo y học cổ truyền thịt dê có tác dụng trừ hàn, bổ khí huyết, khai vị, tăng thể lực, thông sữa, có lợi cho sản phụ. Ăn thịt dê nhiều trị được bệnh gầy yếu, mệt mỏi, nôn ợ, đau bụng... mỡ dê còn có tác dụng trừ phong giải độc, kiết lỵ, nổi mề đay, mẩn ngứa.
Dưới đây là một số bài thuốc từ thịt dê:
Bài 1: Bài thuốc dùng cho người bị thận hư, cơ thể suy nhược, đau thắt lưng kéo dài. Thận dê: 500g, xì dầu, hành, gừng, bột nêm, dầu ăn, ớt. Thận dê sửa sạch, bỏ màng, bỏ gân, thái miếng mỏng vừa ăn, ướp với chút bột nêm trộn đều. Cách chế biến: Cho dầu ăn vào chảo, phi thơm hành, cho thận dê vào, đảo đến khi thịt chín mềm, cho gừng, xì dầu, hành lá, ớt. Cách 3 ngày ăn 1 lần. Ăn liên tục 7 lần.
Bài 2: Bài thuốc dùng để  điều trị suy nhược hao gầy, đau xương sống:  Xương sống dê  1kg, gạo tẻ 100g,  hành, gừng, muối vừa đủ; cách chế biến như sau: Xương sống dê rửa sạch cho vào nồi, đổ nước vừa đủ, đun to lửa trong 4 giờ. Gạo tẻ vo, đãi sạch, cho vào nồi khác, nấu bằng nước hầm xương, đun to lửa cho sôi, để lửa nhỏ ninh nhừ, cho gừng, muối vào. Có thể ăn kèm thịt dê nếu thích, cách 3 ngày ăn 1 lần. Ăn liên tục 5 lần.
Thịt dê rất giàu chất dinh dưỡng, thông thường được dùng làm món ăn bồi bổ sức khỏe.
Bài 3: Bài thuốc giúp bồi bổ sức khỏe, dùng cho người thận hư, liệt dương, người mới ốm dậy yếu mệt: Thịt dê 500g, dầu ăn, hành tây, gừng, muối, bột nêm, ớt ngọt, rượu trắng. Cách chế biến như sau: Thịt dê thái miếng mỏng, cho dầu ăn vào chảo, phi thơm hành, trút thịt vào xào gần chín, cho tiếp gừng, ớt thái sợi, đảo nhanh tay, cho thêm chút rượu, nêm muối, bột nêm vừa ăn, cách 3 ngày ăn 1 lần. Ăn liên tục 7 lần.
Bài 4: Bài thuốc đem lại hiệu quả cao cho những người bị bệnh ít tinh trùng: Thịt dê 90g, thục địa 30g, dâm dương hoắc 50g, cẩu khởi tử 30g, cho vào nồi, nước vừa đủ và đun nhỏ lửa chừng 4 tiếng, sau đó nêm gia vị vừa miệng, cách 3 ngày ăn 1 lần. Ăn liên tục 7 lần.
Bài 5: Bài thuốc chữa bệnh cho những người yếu thận, hay bị hoa mắt ù tai, yếu sinh lý. để điều trị bệnh huyết hư, đau mỏi thắt lưng ở người già: Thịt dê nạc 500g, xương sống dê 1 bộ, thỏ ty tử 10g, hoài sơn 50 g,gạo tẻ 100g, nhục thung nhung 20g, hạch đào 2 quả, hành, gừng, tiêu, rượu, muối thích hợp, đun lửa nhỏ vài tiếng, đợi đến khi thịt dê chín nhừ là được.
Lưu ý: Khi chế biến thịt dê, nấu kèm với thuốc bắc để chữa trị bệnh thì phải tham khảo và làm theo sự chỉ dẫn của thầy thuốc Đông y.


NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
Gọi cho chúng tôi 0902233317

Món ăn - bài thuốc dành cho người mỡ máu

Đông y cho rằng chứng bệnh mỡ máu này là do việc trao đổi vận hóa phân bố nước bọt và mồ hôi khác thường, sinh ra đờm đục trong cơ thể, làm trở ngại sự vận hành, sinh ra và biến đổi của khí huyết.
Chứng bệnh mỡ trong máu là chỉ một loại hoặc nhiều loại thành phần chất béo trong máu như cholesterol hoặc triglycerit hoặc cả hai tăng cao quá mức bình thường. Chỉ số bình thường của cholesterol trong máu từ 2,82 - 5,17mmol/lit, bình thường của triglycerit trong máu từ 0,23-1,24mmol/lit. Nó phát sinh hoặc do ăn quá nhiều chất béo, do sự tổng hợp trong cơ thể quá nhiều, hoặc do sự tiêu trừ của tổ chức ngoại vi giảm yếu. Bệnh có thể nguyên phát bẩm sinh hoặc do các bệnh khác dẫn tới.
Đông y cho rằng chứng bệnh này là do việc trao đổi vận hóa phân bố nước bọt và mồ hôi khác thường, sinh ra đờm đục trong cơ thể, làm trở ngại sự vận hành, sinh ra và biến đổi của khí huyết. Chức năng của ngũ tạng có sự mất mát, lách mất đi sự vận động của nó, thận mất đi sự biến đổi, gan mất đi sự sơ thông, phổi mất đi sự phân bố, tim mất đi vai trò chủ trì. Nên nói chứng bệnh này thuộc gốc hư ngọn thực, phép trị có thể dùng phương pháp tiêu đờm, tiết đục, vận động kiện toàn, bổ thận, mềm gan hoạt huyết... trong đó việc kết hợp chữa trị bằng ăn uống rất quan trọng.
Cháo cà rốt gạo tẻ.
Nguyên tắc ăn uống
Nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả, ăn các loại thịt nạc, thịt thỏ, thịt dê..., ăn nhiều đậu và các chế phẩm từ đậu.
Không ăn mỡ động vật và nội tạng mà thay bằng dầu thực vật.
Thay đổi cách chế biến các món ăn như tăng cường hấp, luộc, ninh, nhúng, chao, hầm; không dùng phương pháp chế biến rán, hun, quay, nướng...
Giảm ăn hoặc kiêng ăn đồ ngọt.
Món cháo thuốc phòng trị mỡ máu
Cháo hải đới đậu xanh: Hải đới tươi hoặc hải đới ngâm nở 100g, đậu xanh 50g, nước 500ml nấu cháo ngày ăn 1-2 bát, dùng cho người mỡ máu cao, tăng huyết áp, đờm nhiệt nhiều.
Cháo bột ngô gạo tẻ: Quấy bột ngô trong nước lạnh. Gạo tẻ cho nước vừa đủ, nấu thành cháo, cho bột ngô vào cháo quấy đều, đun sôi thành cháo. Điều trị có hiệu quả bệnh xơ cứng động mạch, bệnh động mạch vành. Người mắc bệnh mỡ máu cao nên ăn thường xuyên.
Cháo cà rốt gạo tẻ: Cà rốt tươi 2 củ, nấu với gạo tẻ thành cháo, ăn vào hai buổi sáng, chiều. Cháo này có thể ăn thường xuyên, kéo dài có lợi chữa và phòng bệnh tăng huyết áp, giảm lượng mỡ trong máu, tăng cường thể lực người cao tuổi. Những người mắc bệnh đái tháo đường dùng bài thuốc này rất tốt.
Cháo gạo tẻ lá sen: Dùng 1 lá sen to, rửa sạch, sắc kỹ bỏ bã lấy nước. Cho 100g gạo vào nước lá sen, một ít đường phèn, nấu thành cháo. Bài thuốc này chữa bệnh tăng huyết áp, mỡ máu nhiều, chứng bệnh mùa hè cảm nóng, đầu óc choáng váng quay cuồng, tiểu ít, nước tiểu đỏ rất có hiệu quả, có tác dụng thanh nhiệt, giảm mỡ.
* Hành tây thêm gia vị xào không hoặc luộc, kiêng dùng mỡ động vật, mỗi ngày ăn 100g, dùng cho người mỡ máu cao kèm tăng huyết áp, bệnh van tim.
* Lấy phần cuộng dưới rau cần khoảng 20 gốc cả rễ, khoảng 500ml nước, sắc còn 200ml nước đầu uống hết, cũng như vậy sắc nước thứ hai. Uống lúc đói là tốt nhất. Dùng cho người mỡ máu cao nhất là cholesterol máu cao, gan dương huyết cao, huyết ứ, đờm ẩm nhiều.


Sơn tra.

Một số loại nước uống phòng trị mỡ máu
Nước sơn tra pha đường: Mỗi lần dùng 15-30g sơn tra đã phơi khô. Sau khi sơn tra đã sắc kỹ, bỏ bã, lấy nước cho đường uống thay nước chè hàng ngày, có tác dụng giảm lượng mỡ trong máu.
* Hà thủ ô 15g, thảo quyết minh 30g, linh chi 15g, hổ trượng 30g, lá sen 15g, sơn tra 15g, lá chè 15g hãm với nước sôi uống thay chè.  Uống lâu dài có thể giảm cholesterol, làm mềm mạch máu, phòng bệnh động mạch vành, bệnh tăng huyết áp..., có tác dụng chữa bệnh mất ngủ, tiêu phù nề.
* Sơn tra 10g, hoa cúc 10g, quyết minh tử 10g, sắc nước uống thay trà, dùng cho người mỡ máu cao, thích ăn cao lương mĩ vị và có kèm tăng huyết áp, gan dương quá mức bình thường.
* Vỏ lạc khô 50-100g rửa sạch, đun nước uống, ngày 1 thang, dùng cho người mỡ máu cao.
* Sơn tra 25g, ngân hoa 25g, cúc hoa 25g nấu nước uống thay nước chè, có tác dụng thông kinh mạch, giảm mỡ máu.


NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
Gọi cho chúng tôi 0902233317